ngón nghề lộ liễu đến thế đáng lẽ có thể khiến cô quay ra ngay lập tức, nếu
trước đó cô không hạ quyết tâm phải mua cho xong những thứ mình cần.
Dọc một bức tường là giá treo váy dạ hội, chiếc nào cũng xứng đáng
dành cho các nàng hoa khôi dạ vũ, với những mảng ren và vải taffeta, với
những gam màu mơ mộng. Tiếp đó, trong một chiếc tủ kính để ngăn những
ngón tay tò mò là khoảng nửa chục váy cưới, cái bằng lụa màu trắng tinh
khôi, cái bằng xa tanh màu kim nhạt, cái bằng đăng ten màu ngà, chêm
thêm hạt cườm bạc hay hạt ngọc trai xinh xinh. Phần eo bó sát, viền cổ
lượn sóng, chân váy bung xòe. Khi còn trẻ cô cũng không bao giờ hình
dung được sự hoang phí đến mức ấy, không chỉ riêng về tiền bạc mà còn cả
về kỳ vọng, về niềm hy vọng vô lối vào khả năng biến hóa, vào niềm hạnh
phúc.
Phải mất hai, ba phút mới có người ra. Hình như họ quan sát cô từ một
khe ngắm bí mật, và nghĩ rằng cô không phải là loại khách họ chào đón,
thầm mong cô sẽ đi ra. Nhưng cô không đi. Cô lướt qua tấm gương - bước
từ khoảng sàn thô gần cửa lên tấm thảm bông - và cuối cùng thì tấm rèm ở
góc cuối cửa hàng cũng mở ra, để chính bà chủ Milady xuất hiện trong bộ
vét màu đen với hàng khuy lấp lánh. Giày cao gót, cổ chân thon, thắt lưng
bó, đôi tất giấy sột soạt, tóc vàng ánh kim chải ốp về phía sau khoe khuôn
mặt được trang điểm kỹ.
“Tôi muốn thử bộ vét bày ngoài quầy kính.” Johanna nói với giọng điệu
được chỉnh kỹ trước khi thốt ra. “Bộ màu xanh lục ấy.”
“A, mẫu ấy đẹp thật,” bà chủ nói. “Nhưng bộ ngoài tủ kính lại là cỡ số
mười. Trông cô… chắc mặc số mười bốn?”
Bà ta sột soạt vượt qua Johanna vào phía trong cửa hàng, nơi treo quần
áo thường nhật, vét và váy đi làm.
“May cho cô đấy nhé. Có số mười bốn đây.”
Việc đầu tiên Johanna làm là nhìn tem giá. Ít nhất gấp đôi con số cô dự
định, và cô cũng không cố giấu ý nghĩ đó.
“Cũng đắt nhỉ.”