theo một bên đường, nhưng chệnh choạng vẫn hay hơn nhiều và tôi cứ chúi
hết bên nọ lại dạt sang bên kia, mồm hát váng lên những câu nhăng nhít vừa
nghĩ ra. Dọc những quãng đường ngầm giăng hàng chuỗi đèn treo, hơi
sương mù dựng thành lớp. Lũ yêu quái gào rú sau những bức tường đang
sôi lên. Mặt đường như cắt rời chân các khách bộ hành.
Ở nhà, Kazansev đã ngủ. Anh ta ngủ ngồi, đôi chân khẳng khiu thọc
trong đôi ủng da. Chỏm tóc vàng hoe vểnh lên trên đầu anh. Anh thiếp đi
bên bếp lò, đầu gục trên cuốn “Đôn Kihote” xuất bản năm 1624. Trên trang
bìa phụ cuốn sách có lời đề tặng công tước Đơ Brôglio. Tôi sẽ sàng nằm
xuống để khỏi làm thức giấc Kazansev, kéo dịch cây đèn lại và bắt đầu đọc
cuốn sách của Eđua đơ Menian “Về cuộc đời và văn nghiệp của Ghi đơ
Môpatxăng”.
Môi Kazansev mấp máy, đầu nghẹo sang một bên.
Và vào cái đêm ấy, nhờ có Eđuard đơ Menian, tôi mới biết rằng
Môpatxăng sinh năm 1850, cha là một quý tộc người Normanđi và mẹ là
Laura đơ Poateven, em họ của Flôbe. Suốt hai mươi lăm năm trời ông đã
gánh chịu trận công phá đợt đầu của bệnh giang mai di truyền. Sinh lực tràn
trề và bản tính tươi vui của ông chống trả bệnh tật quyết liệt. Ban đầu ông
khổ sở vì những cơn đau đầu và đã dự cảm triệu chứng của căn bệnh khủng
khiếp. Rồi đến lượt bóng ma mù xuất hiện. Mắt ông kém hẳn. Mối ngờ vực
căn bệnh ám ảnh khiến bệnh điên của ông ngày càng nặng, ngày càng sợ
tiếp xúc và trái tính hơn. Ông đã vật vã một cách điên cuồng, hối hả dong
buồm rong ruổi khắp biển Địa Trung hải, chạy sang Tuynidi, Maroc, Trung
Phi, và viết không ngưng tay. Khi đạt tới đỉnh vinh quang, ông đã dùng dao
tự cắt cổ mình năm bốn mươi hai tuổi, máu chảy đầm đìa, nhưng vẫn sống.
Ông bị người ta đem nhốt vào nhà thương điên. Ở đó, ông đã bò lồm cồm…
Dòng cuối cùng trong tờ chúc thư của ông viết:
“Monsieur de Maupassant va s’animalisier” (Ngài Môpatxăng đã biến
thành một con vật). Ông chết năm bốn mươi hai tuổi. Bà mẹ còn thọ lâu
hơn ông.