Nghĩ đến hai con, má cứ nửa mừng nửa lo. Chúng nó trên dưới hai
mươi tuổi đã biết gánh việc dân việc nước, không đến nỗi xấu hổ với lớp
đàn anh. Thế nhưng má cứ nhớ những sự khờ dại của con từ khi ẵm ngửa
đến giờ mà ngại. Tư Sỏi còn khá, đến như Út Sâm dỗ ba câu là nghe, thốt
ba tiếng là hớ, làm sao cho khỏi hỏng việc lớn? Chuyện binh đao mà Sâm
cứ giỡn cười như không...
Má nhớ đến thằng Quỳ. Cũng tội nghiệp. Nó chết dễ dàng, gọn lỏn,
như cái chén rớt xuống đất, người ta thuận chân đá luôn mảnh vỡ vào đống
rác. Nó có họ với má. Nhà nghèo trời dòm qua mái, nó đánh bạc thua hết
lúa bồ lúa non, tham lương nhảy vào dân vệ đã bốn năm nay. Nó không độc
hại gì, chỉ ranh vặt, hay xin xỏ bòn mót của những người dễ tính như má.
Nó chết, người ta không rủa nó ác nhưng cũng nhiếc nó dại... Ừ, hai con
má dù khờ dại đến đâu cũng còn khôn gấp trăm lần những đứa như thằng
Quỳ. Có lẽ má sống mãi với con nên không thấy con lớn khôn. Mà chưa
khôn đã có Cách mạng dạy. Ai dạy mau khôn cho bằng Cách mạng?
Gà gáy nửa đêm eo óc. Rồi bìm bịp gọi trở canh. Má đang bỏ trấu rấm
bếp, Út Sâm rón rén vào lúc nào không biết, "hù" một tiếng bên tai má. Má
giật mình:
- Ớ ông trùm ông xã... Đứa nào vậy?
Má không nhận ra con ngay. Sâm cầm súng gỗ, mặc bộ đồng phục
"thanh niên cộng hòa" màu xanh biển của anh, đội một cái mũ trẻ con bằng
vải chỏm tròn, vành mềm sụp xuống che mắt. Quanh lưng Sâm thắt một nịt
đạn to rách tướp, đeo lủng lẳng một cái chuông xe đạp và hai hộp sắt gỉ, khi
Sâm cựa mình chúng kêu lục cục rổn rảng. Mặt và cổ bôi lọ nồi đen nham
nhở, khiến hàm răng cười nổi trắng lóe.
Sâm cười, nói khao khao: