ông Hạnh thì có ưng con ông không. Sâm thưa gửi mấy câu, lừa lừa khi
ông buông tay là nhảy lên xe phóng một hơi.
Trả xe, về nhà, Sâm ăn vội củ sắn luộc để sắp sửa ra bãi cuốc đất
khoai với má. Vừa lúc ấy có ai gọi gióng giả ngoài rào:
- Út Sâm có nhà không?
Sâm vọt ra cửa:
- Vô đây chị Năm!
Sao Sâm có thể quên chị Năm Tân được nhỉ. Có lẽ vì Sâm chỉ nhớ lời
anh Dõng dặn rủ bạn, nên không nghĩ đến các anh chị lớn tuổi.
Chị Năm Tân cao dong dỏng, có đôi mắt bồ câu trẻ hơn tuổi ba mươi
lăm của chị. Hai hàm răng lúc nào cũng nhuộm đen nhức chứ không cạo
trắng, cũng không để luôm nhuôm như các bà già. Quanh năm chị mặc áo
vá, nhưng các mảnh vá đều điệp màu rất khéo, mũi chỉ nhỏ rứt. Các bà mẹ
trong làng mỗi lần mắng con gái vụng may vá đều nhắc đến chị, người
thường nhắc nhất là má Bảy. Chồng chị đi bộ đội không mấy khi về nhà,
sau tập kết ra miền Bắc, để lại cho chị một mẹ già và hai con dại, cùng với
cha mẹ đẻ mà chị vẫn phải đỡ đần. Lẳng lặng, không một lời than, không
một nét buồn trên mặt, chị tươi tỉnh đưa đôi vai gầy ra gánh hai gia đình,
tay bồng tay dắt hai đứa con, đi tới giữa bầy chó sói.
Sau mỗi trận đòn nhừ tử, chị lê về nhà giam, uống hớp nước, lau máu
trên mặt, giỡn ngay:
- Hết thằng đánh đau tới đứa mau đánh. Sao bị đòn à? Họ biểu tôi lộn
chồng, tôi không lộn, họ động viên chút đỉnh... Gà nào có thứ gà luộc hai
lần!