Tương lai chúng ta là biển Đông
1996-2012
V
iệt Nam có một quá khứ biển. Tổ tiên của chúng ta, những người con
của vua Rồng, bốn ngàn năm trước đã theo cha đi về biển. Nền văn minh
Văn Lang gắn liền với biển và tục vẽ mình của tổ tiên ta là bằng chứng cho
thấy hoạt động kinh tế chủ yếu của dân tộc ta thời ấy là khai thác sông
nước, khai thác biển. Sử sách cổ đại đã mô tả nhân dân ta như là những
người “thông thạo thủy tánh, bơi lội như rái cá”. Trong khi nhiều dân tộc
trên thế giới gọi quốc gia mình là đất, dân tộc Việt Nam có lẽ là dân tộc duy
nhất gọi quốc gia mình là nước. Sông, biển không những là không gian sinh
tồn quý giá đã nuôi dưỡng giống nòi Việt qua bao đời nay, mà còn là lá
chắn của độc lập dân tộc. Trong suốt lịch sử giữ nước, sức mạnh thủy quân
Việt Nam, biểu lộ qua những chiến công chói lọi mang tên Bạch Đằng,
Như Nguyệt, Chương Dương, Hàm Tử, Rạch Gầm... luôn luôn là yếu tố rất
quyết định trong việc đánh bại ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn đất nước.
Ngày nay dân tộc Việt có một dải đất đẹp đẽ rộng trên 330 ngàn cây số
vuông nằm ven bờ Biển Đông, tựa lưng vào dãy Trường Sơn, chạy dài từ
dãy Nam Quan đến mũi Cà Mau, với gần 3.300 cây số bờ biển. Nhưng có
bao nhiêu sách giáo khoa địa lý dạy con em chúng ta rằng Việt Nam còn có
biển, có một thềm lục địa rộng trên 2 triệu cây số vuông, gấp bảy lần diện
tích của đất liền, có một vùng đặc quyền kinh tế biển rộng trên 1 triệu cây
số vuông, rằng chúng ta có trên 4.000 đảo lớn nhỏ, trong đó Phú Quốc có
diện tích xấp xỉ Singapore, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giàu khoáng
sản, dầu lửa, khí đốt. Hình như có lúc nào đó chúng ta đã quên rằng biển đã
trở nên xa lạ và thù nghịch. Có một lúc nào đó, chúng ta chỉ biết cố sức
chắt từng giọt sữa từ đất mẹ. Nhưng với 90 triệu dân, chúng ta chỉ có được
7,7 triệu hécta đất canh tác, bình quân mỗi đầu người dân Việt chỉ có 0,085
ha, mỗi nông dân có 0,2 ha, thấp xa so với tiêu chuẩn đất canh tác tối thiểu
quy định bởi Liên Hiệp Quốc là 0,4 ha. Hiện nay, chúng ta có thể tự hào là