Vấn đề là không nên xem xét cơ chế thị trường và vai trò quản lý nhà
nước là hai mặt đối nghịch. Quản lý nhà nước không phải nhằm hạn chế
hay triệt tiêu cơ chế thị trường mà nhằm tạo điều kiện cho sự vận hành
thông suốt, phát huy những mặt mạnh, những tác dụng tích cực của nó đối
với nền kinh tế để rồi sau đó, thực hiện việc tái phân phối hợp lý các thành
quả kinh tế mà nó mang lại, vì mục tiêu công bằng xã hội. Trong thời đại
cạnh tranh kinh tế quyết liệt trên phạm vi toàn cầu hiện nay, Nhà nước phải
tự xác định vai trò của mình là tác nhân kích thích tăng trưởng kinh tế.
Quản lý nhà nước phải nhằm tạo ra động lực cho phát triển, đồng thời điều
hòa các lợi ích kinh tế xã hội mà không làm mất đi các động lực đó. Muốn
hái được quả ngon, người trồng cây phải chịu khó bón phân, tưới nước, tỉa
lá, bắt sâu…
Cơ chế thị trường có quy luật vận hành của nó. Nếu quy luật đó được các
bên tham gia trò chơi tôn trọng, thị trường sẽ hoạt động tốt và có lợi cho
mọi người, ngược lại, nó sẽ bị trục trặc và có thể trở thành một trò chơi mà
tổng là một số âm, có nghĩa là mọi người tham gia đều bị thiệt hại, ít hay
nhiều. Nhưng người ta ít khi sẵn sàng tôn trọng quy luật của thị trường,
người ta chỉ tôn trọng luật pháp vì tính cưỡng chế của luật pháp. Muốn thị
trường được hoạt động tốt, luật pháp phải quy định sự tôn trọng quy luật thị
trường. Bằng không, sẽ là một điều cực kỳ nguy hiểm nếu chơi trò chơi thị
trường mà không có luật chơi còn người chơi thì khôn biết và không tôn
trọng luật chơi.
Năm 1995