công sẽ làm phát sinh nhu cầu xây dựng thị trường chứng khoán, chúng ta
đã tiến một bước dài từ cơ chế tài trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước của
thời kỳ bao cấp đến cơ chế tài trợ trực tiếp từ nguồn tiết kiệm của người
dân thông qua thị trường vốn - một yếu tố đặc trưng của nền kinh tế thị
trường. Tại thị trường vốn, các nguồn cung vốn của những người tiết kiệm
sẽ gặp gỡ trực tiếp các yêu cầu vốn của nhà đầu tư - các doanh nghiệp -
không cần phải thông qua vai trò trung gian của hệ thống ngân hàng làm
mất nhiều thời gian và chi phí. Nếu các ngân hàng tham gia thị trường, họ
sẽ tham gia với tư cách người cung cấp vốn trực tiếp, không phải tham gia
với tư cách một định chế tài chính trung gian. Sự hình thành và phát triển
của thị trường vốn sẽ mở rộng khả năng tự tài trợ của nền kinh tế, một khả
năng mà cho tới nay rất yếu ớt, khiến mọi kỳ vọng về tài trợ kinh tế của
Việt Nam đều có khuynh hướng nhìn ra bên ngoài. Cơ chế tài trợ trực tiếp
này, mặt khác, sẽ tạo áp lực lên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Rõ ràng là một chính sách lãi suất cao sẽ tiêu diệt thị trường vốn, vì lúc đó
người tiết kiệm sẽ thích gửi tiền vào ngân hàng thương mại để được hưởng
lãi suất cao, hơn là mua cổ phiếu với khá nhiều rủi ro, mà cổ tức lại thấp
hơn lãi tiết kiệm. Sự có mặt của thị trường vốn sẽ buộc Ngân hàng Nhà
nước duyệt lại toàn bộ chính sách lãi suất của mình và việc hình thành lãi
suất có thể sẽ phải dựa vào thị trường hơn là từ một quyết định duy ý chí
của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, thị trường vốn sẽ khuyến khích đầu tư
trong nước ở cả hai mặt. Một mặt, doanh nghiệp do nhận được các nguồn
tài trợ trực tiếp, dài hạn sẽ chủ động hơn, mạnh dạn hơn và nhanh chóng
triển khai các dự án sản xuất kinh doanh của mình, mặt khác, cơ chế lãi
suất trong nước hợp lý hơn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sản xuất
kinh doanh khác.
Thị trường vốn còn là một công cụ đo lường giá trị thực của một xí
nghiệp và là nơi mà các thông tin loại này được công bố công khai cho mọi
người biết. Hiện nay, chính do sự thiếu thông tin về giá trị xí nghiệp, nhất
là đối với xí nghiệp quốc doanh, đã khiến chương trình cổ phần hóa trở nên
kém hấp dẫn và không được sự ủng hộ rộng rãi. Người bỏ tiền ra mua cổ