Điều gì, sau hơn một trăm năm, làm nên sự khác biệt trời vực giữa hai
nước có điểm xuất phát bằng nhau? Có thể có rất nhiều điều. Nhưng khác
biệt lớn nhất và quyết định nhất là sự sợ hãi, thiển cận của Tự Đức đối với
sự thức thời sáng suốt của Minh Trị, là sự tự mãn về cái cũ của Tự Đức và
niềm khao khát cái mới của Minh Trị. Tự Đức đã làm Việt Nam mất một cơ
hội cường thịnh, một cơ hội có cái giá một thế kỷ.
CHIẾN TRANH KINH TẾ
Cuộc chinh phục thị trường bằng pháo hạm, trò chơi của những tay thực
dân thế kỷ XIX đã nhường chỗ cho cuộc chinh phục thị trường bằng hàng
hóa, trò chơi của những nhà đầu tư thế kỷ XX. Vào đầu thập niên cuối cùng
của thế kỷ XX, chiến tranh lạnh chấm dứt, thay vào đó là điều mà bà Edith
Cresson, Thủ tướng Pháp, gọi là “đang xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới
về kinh tế”. Ba cường quốc kinh tế hiện nay của thế giới là Mỹ, Tây Âu và
Nhật đang thực sự tuyên chiến với nhau. Một phúc trình của Công ty chứng
khoán Nomura đã mô tả “những cuộc cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên
cực kỳ quyết liệt”. Một bà thủ tướng Anh bị mất chức vì theo đuổi chính
sách không hợp thời có thể dẫn đến vị trí đơn độc dễ bị tổn thương của
nước Anh. Một ông tổng thống Mỹ dù thắng trận giòn giã về quân sự
nhưng thất trận về kinh tế đã thất cử.
Cuộc chiến kinh tế diễn ra không có súng nổ đạn bay, không có máu đổ.
Bị chiếm lĩnh về kinh tế sẽ rất êm ái, ít gây ra xúc động hận thù như bị
chiếm đóng về quân sự. Nhưng đó là một cuộc chiến của sự mất còn.
Người thắng có thể được tất cả và người thua có thể mất tất cả. Đó còn là
một cuộc chiến toàn cầu. Không ai có thể đứng ngoài cuộc. Một trong
những điểm nóng của nó là vùng Châu Á Thái Bình Dương. Và chúng ta ở
giữa điểm nóng đó.
MỞ CỬA