kinh tế cũng có trách nhiệm, trong giai đoạn này, giúp thành lập các Công
ty kiểm toán để giám định kế toán, đánh giá hoạt động các công ty xí
nghiệp (công cũng như tư). Các Công ty Kiểm toán này là điều kiện không
thể thiếu cho việc hình thành thị trường chứng khoán về sau.
Những hoạt động tích cực nhằm đảm bảo sự ổn định tiền tệ cũng cần
được triển khai trong giai đoạn này như sự can thiệp của Ngân hàng Nhà
nước trong lĩnh vực vàng và ngoại tệ. Trung tâm giao dịch ngoại hối sẽ
được chuyển thành thị trường ngoại hối có kiểm soát với hoạt động thường
xuyên hơn. Một Quỹ Điều hòa giá vàng cũng cần được thiết lập nhằm ổn
định giá vàng trong nước.
Chúng ta có thể thấy rất rõ, ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình thực
hiện chương trình khẩn cấp, vai trò của Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà
nước đều là tối quan trọng. Sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ của hai cơ
quan này là yếu tố then chốt quyết định thắng lợi của chương trình. Bộ Tài
chính là vị cứu tinh duy nhất có thể làm hồi sinh hoạt động sản xuất kinh
doanh của các xí nghiệp quốc doanh, bộ xương sống hiện nay của nền sản
xuất. Cũng vậy, chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới cứu vãn được quả tim tiền
tệ là hệ thống các ngân hàng. Và một khi bộ xương sống của nền sản xuất
được củng cố, đứng vững, quả tim tiền tệ đập những nhịp vững vàng, lành
mạnh, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin chắc rằng sức khỏe của nền kinh tế
đất nước sẽ nhanh chóng hồi phục.
Tháng 5/1991