hơn và nhanh chóng hơn vào tiến trình cổ phần hóa. Khi nguồn vốn từ ngân
sách quốc gia đang được thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát trước mắt và
xây dựng các cân đối kinh tế vĩ mô trong lâu dài, việc xã hội hóa đồng vốn
của các doanh nghiệp nhà nước là điều cần làm để duy trì một tương lai
phát triển lành mạnh và một vị trí quan trọng của họ trong nền kinh tế đất
nước. Nhưng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ không thành công nếu
chỉ mang tính hình thức, bình mới rượu cũ. Cổ phần hóa không nhằm giải
quyết vấn đề vốn, thực tế đây là yếu tố kém quan trọng nhất trong chương
trình cổ phần hóa. Cổ phần hóa chỉ thành công khi nó thực sự mang lại một
sự thay đổi căn bản về phương thức tổ chức, quản trị, nhân sự, về quá trình
ra quyết định, khi nó cung cấp được những giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn,
chuyên nghiệp hơn cho doanh nghiệp trong việc quản lý, điều hành, quản
trị nguồn nhân lực nhằm tạo được động lực làm việc và nâng cao năng suất
của người lao động, khi nó đảm bảo việc tuân thủ các nguyên tắc công
khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp,
khi nó xây dựng được một nền tảng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và
một tinh thần tôn trọng đạo đức kinh doanh.
Những nỗ lực tái cấu trúc có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam, công
cũng như tư, có được những chiếc thuyền công ty vững chắc, có thủy thủ
đoàn tinh nhuệ, được trang bị đầy đủ để ra khơi đánh bắt. Nhưng làm cho
sóng yên gió lặng là trách nhiệm của các chính sách kinh tế vĩ mô. Nghị
quyết 11 của Chính phủ đã đặt những điều kiện ban đầu cho việc ổn định
kinh tế vĩ mô. Tiết kiệm công chi, giảm thiểu đầu tư công và hạn chế vay
nợ nước ngoài nếu được thực hiện nghiêm chỉnh và bền chí sẽ giúp giảm
thiểu khiếm hụt ngân sách. Công chi giảm tạo điều kiện để giảm thuế, còn
giảm thuế lại là một yếu tố quan trọng kích thích phát triển sản xuất kinh
doanh, giúp tăng trưởng nguồn tiết kiệm và đầu tư rất hiệu quả của khu vực
tư. Mục tiêu giảm bớt khiếm hụt cán cân thương mại đòi hỏi một chính
sách tỷ giá hợp lý trong lâu dài nhằm khuyến khích xuất khẩu và giảm nhập
khẩu. Điều này cũng có nghĩa là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
trong nước phải được nâng cao, với sự hỗ trợ của một mức thuế suất thấp