năng cạnh tranh của ta trên thị trường quốc tế. Về chính sách thuế, hiện nay
đã có những tiến bộ đáng kể. Quy định của Hội đồng Bộ trưởng về khuyến
khích sản xuất hàng xuất khẩu xác định việc giảm hoặc miễn thuế xuất
khẩu đối với từng loại hàng xuất khẩu phù hợp với luật thuế. Mới đây, ngày
19/4/1991, Hội đồng Bộ trưởng vừa ra quyết định áp dụng mức thuế suất
tối thiểu đối với các mặt hàng xuất khẩu mậu dịch, và cho xem xét miễn,
giảm thuế đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu bị lỗ. Tuy nhiên,
hầu hết các đơn vị hoạt động xuất khẩu đều mong muốn một chính sách
thuế tích cực hơn.
Việc đẩy mạnh tài trợ xuất khẩu cuối cùng sẽ tác động đến chiều hướng
của chính sách tiền tệ. Sẽ không có chỗ đứng cho các chương trình phát
triển xuất khẩu trong một chính sách tiền tệ hạn chế. Ngược lại, việc chấp
hành triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu có
nghĩa là chấp nhận chịu đựng một áp lực lạm phát thường xuyên, nhất là
trong giai đoạn đầu của phát triển. Quả thật đây không phải là một chọn lựa
dễ dàng. Các nước đã thành công trong việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu
đều phải trải qua thời kỳ thử thách cay đắng này. Họ đã vượt qua được bằng
ý thức tôn trọng quyền lợi chung của đất nước, bằng khả năng điều hành
kinh tế vĩ mô và bằng kỹ thuật tổ chức quản lý sao cho những nguồn lợi thu
được từ xuất khẩu được sung dụng nhanh nhất và hiệu quả nhất cho việc
phát triển công nghiệp hóa.
Tháng 6/1991