Chuẩn bị tiếp thu ngoại lực
N
gày 2 tháng 7 năm 1993, văn phòng Tổng thống Mỹ Washington đã
công bố quyết định của Tổng thống Bill Clinton “Chấm dứt sự phản đối
của Mỹ đối với nỗ lực của những nước khác nhằm giải tỏa các món nợ của
Việt Nam tại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF)”. Quyết định này được mọi
người cùng hiểu là kể từ thời điểm đó, Mỹ sẽ không ngăn cản việc IMF cho
Việt Nam vay tiền. Và nếu thanh toán xong các món nợ đối với định chế tài
chính quốc tế hùng mạnh này, Việt Nam sẽ phục hồi được tất cả những
quyền lợi của mình - trong đó có quyền được vay - với tư cách là hội viên
của IMF: Về phía Mỹ, vấn đề IMF tài trợ cho Việt Nam đã chuyển từ bình
diện chính trị sang bình diện kinh tế kỹ thuật. Có vẻ như bây giờ, mọi
chuyện còn lại chỉ là liệu Việt Nam có chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng các điều
kiện, được hiểu như thuần tuý kinh tế kỹ thuật của IMF để có thể nhận
được các khoản cho vay từ định chế này và từ Ngân hàng Thế giới (World
Bank) nhằm hiện đại hóa nền kinh tế của mình hay không?
Về phía Việt Nam, chúng ta sẽ dần dần nhận ra rằng các điều kiện khắt
khe được gọi là kinh tế kỹ thuật không chỉ đơn thuần là kinh tế kỹ thuật và
sẽ không dễ dàng gì đáp ứng, ngay cả khi chúng ta tưởng rằng đã chuẩn bị
đầy đủ với hàng tá dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. IMF và World Bank là
những định chế cho vay quốc tế nổi tiếng khắc nghiệt, họ chỉ cho vay
những người nào biết và có thể tuân thủ những điều kiện cho vay của họ.
Thậm chí một số quan chức cấp cao của hai định chế này đã nhấn mạnh
nhiều lần đến quyền lực của họ trong việc ảnh hưởng đến chính sách kinh
tế của nước đi vay (tất nhiên, theo họ, là nhằm phục vụ quyền lợi của chính
nước đó). Như vậy, tuyên bố của Bill Clinton chấm dứt phủ quyết việc IMF
(và World Bank - WB) cho Việt Nam vay tiền không có nghĩa là chúng ta
sẽ nhận được ngay những khoản tài trợ cho xây dựng kinh tế từ các định
chế này. Thời gian chờ đợi có thể nhanh và cũng có thể rất chậm. Chỉ tính
thời gian từ giai đoạn nhận diện đến phê chuẩn và thực hiện dự án cũng có