Việt Nam gia nhập ASEAN
C
hỉ còn vài ngày nữa, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập ASEAN, chính
thức hội nhập vào một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay.
Những cơ hội cho phát triển kinh tế đất nước được mở rộng, nhưng những
thử thách cũng không kém phần gay gắt. Các vấn đề kinh tế cơ bản vẫn như
trước, tuy nhiên sự hội nhập vào ASEAN sẽ buộc chúng ta phải thúc đẩy
nhanh hơn các giải pháp đúng đắn cho các vấn đề đó. Chẳng hạn, bộ máy
hành chính phải được đổi mới nhanh hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp tốt
hơn. Hệ thống luật pháp phải được hoàn thiện sớm hơn, các bộ luật như
Luật Dân sự, Luật Thương Mại cần được hình thành. Luật Đầu tư (trong và
ngoài nước) cần được hoàn chỉnh. Các nhà làm luật của chúng ta cần nhanh
chóng hiểu rõ hệ thống luật pháp của các nước thành viên khác và làm cho
họ hiểu rõ hệ thống luật của ta. Những cải cách về hành chính, luật pháp
cần được tiến hành sớm vì sẽ tạo điều kiện và môi trường thích hợp cho
việc giải quyết các vấn đề kinh tế cơ bản như vấn đề công ăn việc làm và
nâng cao mức thu nhập, những vấn đề sẽ trở nên bức xúc và phức tạp hơn
trong quá trình hội nhập.
Khi Việt Nam vào ASEAN, chúng ta sẽ là nước lớn thứ hai về dân số, và
là nước có thu nhập thấp nhất. So với Singapore là nước có thu nhập cao
nhất trong Asean, dân số của chúng ta cao gấp 24 lần và thu nhập bình
quân đầu người kém 80 lần. Dân số đông và tốc độ tăng trưởng dân số
nhanh sẽ gây khó khăn cho các nỗ lực gia tăng mức thu nhập nhằm khép lại
khoảng cách rất rộng giữa ta và các nước thuộc ASEAN. Mọi vấn đề, thách
thức sẽ bắt nguồn từ đó và mọi giải pháp tìm kiếm cũng sẽ nhằm giải quyết
điều nan giải nói trên.
Lấy thí dụ, vấn đề công ăn việc làm. Dân số đông, nhu cầu cần công ăn
việc làm sẽ lớn, nhưng tạo ra đủ công ăn việc làm cho người muốn làm việc
là điều không dễ dàng. Cỗ máy tạo công ăn việc làm chính là doanh nghiệp
và họ phải hoạt động hiệu quả để tồn tại và phát triển, trước hết ở thị trường