“Điều làm tôi bối rối nhất khi phải thương lượng với người ở đây là
chẳng bao giờ họ nói một lời chân thật. Hôm nay đồng ý, mai đã chối từ.
Họ hứa rồi thất hứa luôn, chẳng e ngại gì. Họ kéo cà kê công việc là để
hưởng nhiều lợi. Họ nói điều gì cốt là để lừa phỉnh. Càng cho nhiều, họ
càng vòi. Một điều khó chịu nữa không kém là không có một chức quan lớn
để xử lý các vụ việc, nhất là đối với người ngoại quốc. Chúa tự ý ra lệnh để
bọn tay chân bòn rút rồi Chúa bòn rút lại. Quan lại không có lương bổng,
dựa vào đấy để làm giàu...” (Trích bài “Vụ tai tiếng nhất về ngoại thương
Việt Nam giữa thế kỷ 18” của tác giả Nguyễn Văn Xuân, Tạp chí Xưa và
Nay, số 4, tháng 7/1994).
Trong hai thế kỷ XVIII và XIX, chiến tranh liên miên và những quan
điểm thủ cựu đã khiến Việt Nam không phát triển giao thương với nước
ngoài, còn sản xuất và buôn bán trong nước vẫn chỉ là sản xuất thủ công,
buôn bán nhỏ và phần lớn chỉ là trao đổi hàng hóa trong phạm vi vùng
miền. Cho đến đầu thế kỷ XX, trong thời kỳ Pháp thuộc, mới manh nha
một tầng lớp doanh nhân mới, nhưng một mặt họ bị đè nén, chèn ép bởi các
chủ doanh nghiệp người Pháp, mặt khác phần lớn trong số họ - trừ một số ít
được coi là tư sản dân tộc như Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi - thường bị
giới sĩ phu và nông dân xem là tay sai thực dân và thuộc thành phần bóc
lột. Vào năm 1945, khi đất nước vừa mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ
Chí Minh có bức thư kêu gọi giới công thương gia nhập công thương cứu
quốc đoàn, đem vốn vào làm những công việc ích quốc lợi dân và xác nhận
“nền kinh tế quốc dân thịnh vượng là sự kinh doanh của các nhà công
nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”, nhưng đó chỉ là những động viên
khích lệ ban đầu. Khi đất nước chia cắt, ở miền Nam hình thành một tầng
lớp công thương kỹ nghệ gia trẻ, có học thức, đầu óc kinh doanh nhưng vẫn
còn yếu cả về mặt vốn liếng lẫn kinh nghiệm nếu đem so sánh với các nước
đang trên đà phát triển khác trong khu vực. Cho đến đầu thập niên 80 của
thế kỷ XX, các chủ doanh nghiệp và tư thương Việt Nam bị xem là thành
phần bóc lột và cần được cải tạo. Có thể nói, hơn 10 năm sau khi đất nước
đi vào thời kỳ Đổi mới (giữa thập niên 90), đội ngũ doanh nhân Việt Nam