Một thế giới hội nhập ngày hôm nay có thể rất khác với ngày xưa vì thế
giới ngày hôm nay nhỏ hơn ngày xưa rất nhiều. Buôn bán quốc tế ngày xưa
phải tính bằng tháng, bằng năm trong khi buôn bán quốc tế ngày nay được
tính bằng giây, bằng phút. Quy mô thương mại lớn hơn bội phần, quy mô
tài chính được đo lường bằng những con số thiên văn. Nhưng những bài
học xưa cũ vẫn còn đó, vẫn phải học và rút kinh nghiệm. Để thắng được
trong cuộc Nam tiến vào hội nhập, chúng ta không chỉ trông cậy vào lòng
kiêu hãnh dân tộc, vào những ưu điểm như óc thông minh, bản chất ham
học, cần cù, chịu khó. Chúng ta còn phải thấy được nhược điểm của chính
mình.
Đến khi nào chữ tín trong thương mại là một nguyên tắc hàng đầu phải
tôn trọng của chúng ta? Đến khi nào chúng ta có đủ niềm tin nơi người
khác để cư xử một cách trung thực và thành tín với họ? Ngoài ra, không thể
không khách quan thừa nhận chúng ta còn khá nhiều tật xấu khác trong
quan hệ làm ăn buôn bán với nhau, và với đối tác nước ngoài không cần
phải liệt kê dài dòng ở đây.
Trước thềm hội nhập, cũng là trước một cuộc chiến gay go mới, không
thể không nhìn lại mình để biết mình, biết người, để có thể mong rằng
“trăm trận trăm thắng”. Một tác giả người Trung Quốc, ông Bá Dương, đã
viết quyển Người Trung Quốc Xấu Xí, mạnh dạn phê phán những cái xấu
của người Trung Quốc, gây được tiếng vang lớn trong nước và hải ngoại,
giúp người Trung Quốc có dịp nhìn lại mình, khắc phục nhược điểm và trở
nên tiến bộ hơn. Chúng ta cần học tập điều đó, tuy đó sẽ là một bài học rất
khó khăn. Đó là một bài học mà để học được, chúng ta không cần niềm tự
hào, nhưng lại rất cần sự khiêm tốn. Đó là bài học rất đau xót vì không có
khen thưởng, không có xoa dịu. Đó là một bài học rất cần sự dũng cảm, để
không sợ nhìn thấy sự thật, không sợ nhìn thấy cái yếu kém của mình.
Nhưng đó là một bài học hết sức quý giá. Nó sẽ giúp đưa cả đất nước, cả
dân tộc tiến đến bến bờ thịnh vượng.
Năm 2006