Về tinh thần hợp tác làm ăn của người
Việt
“Đ
ể tạo lập của cải, người ta phải tạo lập cộng đồng - những công ty
lớn”, đó là nhận xét của một nhà chiến lược kinh tế người Mỹ, Lester
Thurow, trong quyển Building Wealth (Làm giàu) nổi tiếng của ông. Nhưng
muốn tạo lập những công ty lớn, trước hết phải có những công ty nhỏ, và
muốn có những công ty nhỏ, trước hết phải có những người muốn làm ăn
và biết hợp tác làm ăn. Nếu có những người biết làm ăn, nhưng chỉ muốn
làm ăn riêng lẻ, sẽ không có những công ty nhỏ và sẽ không bao giờ có
những công ty lớn.
Việt Nam, trên con đường làm giàu của mình cần phải vượt qua nhiều trở
ngại, trong đó có trở ngại về tâm lý. Người dân Việt thường tự hào thông
minh, cần cù, chịu khó, nhưng có nhược điểm là ít chịu cùng nhau hùn hạp
làm ăn chung. Mặc dù tục ngữ Việt Nam có câu “buôn có bạn, bán có
phường”, doanh nhân Việt thường thích làm ăn riêng. Có một nhận xét
bông đùa khi trà dư tửu hậu trong giới làm ăn rằng “một người Việt không
kém hơn một người Nhật, nhưng hai người Việt chắc chắn không bằng một
người Nhật”. Nhận xét này có vẻ châm biếm nhưng cho thấy một thực tế là
sự hợp tác giữa hai người Việt thường mang đến một hiệu quả âm. Và nếu
hợp tác là một tiến trình cần thiết và quyết định để một cộng đồng dân tộc
tạo lập của cải - làm giàu - cho mình, sự thiếu hợp tác của những cá thể
trong cộng đồng đó sẽ làm chậm đi quá trình làm giàu của cộng đồng và
của những cá thể trong đó, đồng thời làm tăng lên khoảng cách giàu nghèo
trong xã hội - một số cá thể sẽ giàu lên nhanh chóng trong khi nhiều cá thể
khác vẫn ở trong tình trạng đói nghèo. Chất lượng của tăng trưởng kinh tế
bị giảm và năng lực cạnh tranh so sánh của toàn nền kinh tế cũng xuống
thấp.