Khái niệm Nhà nước pháp quyền (État de droit) là khái niệm tiến bộ nhất
trong lịch sử hình thành bộ máy Nhà nước. Khái niệm này khác với khái
niệm Nhà nước thiêng liêng (État providence) cho rằng quyền tối cao của
Nhà nước là do Thượng đế ban cho và khái niệm Nhà nước cảnh trị (État
de police) theo đó Nhà nước điều hành xã hội một cách độc đoán, dựa trên
các biện pháp cưỡng bách.
Nhà nước pháp quyền là một Nhà nước quản lý bằng luật lệ. Điều đó
nghĩa là:
Nhà nước và bộ máy hành chính không được vi phạm luật pháp. Các
hành động của Nhà nước và bộ máy hành chính (Administration) phải
luôn phù hợp với luật pháp. Hành vi hành chính đối với luật pháp cũng
như bộ phận ghép vào một cơ thể sống, nếu hành vi đó phạm luật nó
phải chịu sự đào thải.
Bộ máy hành chính không được làm gì khác ngoài những gì luật cho
phép.
Bộ máy hành chính phải hành động theo một chuẩn mực pháp lý đã được
quy định. Những chuẩn mực này được xếp đặt theo thứ tự ưu tiên tuân thủ
như sau:
- Hiến pháp.
- Những hiệp ước quốc tế đã ký kết, những công ước tham gia.
- Các bộ luật, pháp lệnh hiện hành.
- Những nguyên tắc được xác lập của luật pháp, những án lệ.
- Những qui định, nghị định thi hành luật, pháp lệnh…
Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho
việc cải tổ nền hành chính quốc gia, và là điều kiện thiết yếu để xây dựng
nền dân chủ pháp trị.