- Giá thằng năm đừng nhào vô thì mày được hai đô la hé ?
- Đâu có, thằng mũi lõ bầy trò để tụi tao đánh đua mà.
Lựa nuốt thêm miếng nước bọt nữa. Lần này, Danh nghe rõ tiếng “ ực ” và
nhìn rõ miếng nước bọt trôi qua cổ học xuống dạ dầy Lựa. Nó nhếch mép
cười :
- Chi mà tiếc rẻ dữ vậy ?
Lựa thở dài :
- Tao mới ngu như con “ kẹ ”. Giá tao đừng xin Quý đen thôi thì mày
đã xí phần của thằng Năm cho tao, tụi mình có hai đồng đô la đổi một đồng
còn một đồng cất kỹ, thỉnh thoảng, đem ra ngửi chắc sướng cái lỗ mũi lắm,
mày nhỉ ?
Danh đập mạnh vào lưng bạn :
- Đừng lo, tụi nó bảo lính thuỷ lên bờ cả ngàn thằng. Hai cái tầu cặp
bến Bạch Đằng lận. Mai tao sẽ có một đô la nữa cho mà coi. Thôi đi đi …
Lựa tin ở lời Danh nói. Nó cúi xuống lượm chiếc hòm đồ nghề của Danh.
Hai đứa song song bước. Chúng nó đi tìm thằng đầu nậu chỗ ngủ, đặt tiền “
giường ” và gửi hòm. Xong đâu đó, hai đứa đến tiệm Đại Ích ăn mỗi đứa
một đĩa cơm cà ri gà.
Túi còn mười tám đồng, hai đứa rủ nhau lên Sài gòn. Khi chúng rời tiệm
cơm Đại Ích, nắng đã tắt hẳn. Trời chiều xám màu. Gió mát lùa vào tâm
hồn hai đứa trẻ. Như một đôi chim đã no mồi và tìm thấy tổ ấm của ngày
mai, hai đứa trẻ tung tăng bước. Tới bùng binh chợ Bến Thành, đèn phố bắt
đầu lên. Ánh sáng nhiều màu sắc làm chói mắt Lựa.
Nó đã sống ở vỉa hè khá lâu, đã nhìn những ngọn đèn nê ông của các hãng
nhấp nháy quảng cáo. Nhưng tối nay nó mới thấy những ngọn đèn nê ông
đẹp. Lựa không khác gì một chú bé ở nhà quê mới ra thành phố. Tất cả, đối
với nó, đều khác lạ. Từ những ô vuông xi măng nhỏ trên mặt vỉa hè tới
tiếng hát khi thì khàn khàn khi thì rống lên, khi thì câm tịt thoát ra từ mấy
cái máy phóng thanh gắn trên cái cột sắt giữa bùng binh đều đáng ngắm