Tôn Trung Sơn còn vạch ra: Nước Nhật đất chỉ bằng hai tỉnh lớn
của Trung Quốc, dân cũng không nhiều hơn dân hai tỉnh lớn của
Trung Quốc, cách đây 40 năm họ cũng là một quốc gia nhỏ nhất,
nghèo nhất, yếu nhất. Thế nhưng từ sau cuộc Duy tân Minh Trị,
trong 40 năm họ nghiễm nhiên được gọi là cường quốc. Trên toàn
cầu chỉ có 6 - 7 nước được gọi là cường quốc, thế mà Nhật Bản
nghiễm nhiên là một trong 6 - 7 nước ấy. Nước Nhật đã áp dụng chủ
nghĩa mở cửa. Dân quốc Trung Hoa đất rộng gấp 20 lần nước
Nhật, số dân cũng nhiều gấp hơn 20 lần, nên làm theo cách của
Nhật, cũng áp dụng chủ nghĩa mở cửa. Nếu vậy thì chỉ sau đây 3 - 5
năm ta sẽ giàu mạnh gấp 10 lần Nhật. Tôn Trung Sơn nói: “Trung
Quốc nên mở mang sự nghiệp, cái nào trong nước không có vốn thì
vay vốn nước ngoài. Nếu ta thiếu nhân tài thì dùng nhân tài nước
ngoài. Nếu cách làm của ta chưa tốt thì ta dùng cách của nước
ngoài. Kết quả chẳng phải là càng văn minh nhiều so với các nước
Đông, Tây hay sao?”.
“Nhất thế giới” không thể sao chép, phải “có tinh thần sáng
chế”
Từ hàm nghĩa Dân quốc Trung Hoa, Tôn Trung Sơn nhấn mạnh
ý nghĩa của sự sáng tạo. Ngày 15 tháng 7 năm 1916, trong diễn
thuyết tại buổi uống trà ở Thượng Hiền Đường, Thượng Hải, Tôn
Trung Sơn đã giải thích vì sao không nói “Nước Cộng hòa Trung Hoa”
mà phải nói “Dân quốc Trung Hoa”. Ý nghĩa của chữ “dân” là kết
quả ông đã nghiên cứu hơn chục năm mới có được. Tôn Trung Sơn
cho rằng nước cộng hòa của Âu - Mỹ sáng lập trước nước ta; quốc
dân thế kỷ XX nên có tinh thần sáng tạo chứ không nên tự thoả
mãn với cách bắt chước quy chế đã hình thành từ thế kỷ XVIII-
XIX. Nếu tính năm tháng, tất phải có một Dân quốc Trung Hoa
trang nghiêm rực rỡ xuất hiện trên đại lục phương Đông, vượt trên
các nước cộng hòa trên thế giới.