sự lạm dụng chức quyền. Trong quá trình so sánh với các mô hình
khác trên thế giới, nhất là với “mô hình Liên Xô” trong cuộc đua
chiến tranh lạnh kéo dài, “mô hình Mỹ” đã thể hiện tính kéo dài và
ngoan cường của nó, là cơ sở và vốn liếng quan trọng để nước Mỹ
trước sau duy trì được ưu thế tự thân và ảnh hưởng rộng rãi tới thế
giới.
Của cải tăng lên nhất thiên hạ
Quốc gia quán quân là nhà quán quân làm giàu trên thế giới,
quán quân về mặt của cải. Nước Anh lên ngôi bá chủ công nghiệp
thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp. Năm 1850 họ sản xuất
một nửa sản phẩm kim loại, các sản phẩm từ bông và sắt thép của
toàn thế giới, cũng như hai phần ba sản lượng than; họ đứng đầu
thế giới trong ngành đóng tàu và xây dựng đường sắt. Năm 1860,
nước Anh sản xuất 40 - 50% sản phẩm công nghiệp của thế giới, 55
- 60% sản phẩm công nghiệp của châu Âu. Ngoại thương của nước
Anh năm 1850 chiếm 20% tổng lượng buôn bán của thế giới; mười
năm sau tăng lên 40%. Đồng Bảng Anh trở thành đồng tiền quốc
tế. Trong tình hình nước Anh chỉ chiếm 0,2% diện tích lục địa thế
giới, số dân hồi ấy chỉ có hơn 10 triệu, chiếm 2% số dân toàn
thế giới hoặc 10% số dân châu Âu, thế mà nước này sở hữu năng
lực công nghiệp hiện đại tương đương với 40 - 50% tiềm lực công
nghiệp toàn cầu; đồng Bảng Anh có uy quyền vô địch thế giới.
Nước Mỹ sau Đại chiến thế giới lần thứ II có thực lực siêu
cường. Giáo sư Lưu Kim Chất, học giả ngành lịch sử quan hệ quốc
tế ở Đại học Bắc Kinh viết trong cuốn “Chiến tranh lạnh” như
sau: Mỹ đứng thứ nhất trong thương mại quốc tế, các sản phẩm
của Mỹ, trò giải trí tiêu khiển và lối sống Mỹ tràn ngập khắp thế
giới. Tuy rằng trong chiến tranh có 410 nghìn người Mỹ bỏ mạng,
song Mỹ là nước lớn duy nhất không bị chiến tranh trực tiếp phá
hoại, hơn thế nữa, nền kinh tế quốc dân Mỹ mở rộng gấp đôi.