Người trên kẻ dưới trong nhà họ Cung đều đối xử với cô không bạc.
Mặc dù cô chưa có danh phận và địa vị chính thức gì trong nhà họ Cung,
chẳng phải a hoàn cũng chẳng phải chủ nhân, nhưng rõ ràng là không có ai
coi cô như kẻ hầu người hạ nữa. Bà Võng Thị ngày nào cũng bưng đến cho
cô một con gà hấp dầu mè chín nhừ, dù cô đã có thể đi lại được, nhưng
cũng không để cô phải ra khỏi giường, hơn nữa giọng điệu nói chuyện với
cô đã có phần lễ độ. Chị A Oanh ngày nào cũng giúp cô tắm cho đứa bé, lại
bảo cô đừng dùng xà phòng thơm, kẻo bé bị hắt hơi; cô cảm thấy những
điều đó thật mới mẻ. Nhị thiếu gia thì mỗi ngày đi làm về đều rửa tay kỹ
lưỡng bằng nước khử trùng rồi mới bế đứa bé, rồi nói cười với cô, dường
như có con càng khiến anh ta mặn nồng với Ngân Hoa hơn.
Thế nhưng trong không khí hạnh phúc đó, Ngân Hoa vẫn dần củng cố
quyết tâm. Cô không thể sống như vậy cả đời; như thế khác gì con vật được
người ta vỗ béo chứ! Mặc dù con vật đó không sợ thiếu cái ăn, nhưng cái
ăn cũng không phải do sức lao động của mình mà có. Cô cần phải được
sống giữa đất trời của chính mình, lao động bằng hai bàn tay của chính
mình, nuôi mình và nuôi con, như thế mới là người Chiraya đội trời đạp
đất! Cô sẽ đem theo Karawai (con trai) rời khỏi nhà họ Cung để sống tự
lập.
Cô không muốn sống trong cái lồng kín cổng cao tường này, đêm đêm
chờ mong anh đến để quấn quýt với nhau, rồi trang điểm phục sức lộng lẫy,
cứ như một con công được vỗ béo. Cô tin nhị thiếu gia thực sự yêu cô; rời
xa cô, anh chắc sẽ buồn đến nỗi không thiết ăn uống. Nhưng cô vẫn luôn
cảm thấy cô không thuộc về anh, cũng không phù hợp với anh, cô thuộc về
tự nhiên và bùn đất, nhất định sẽ có ngày cô tìm thấy một tình yêu mới, xây
đắp một tatakak (gia đình) mới, tìm thấy một chàng trai trẻ khỏe mạnh,
người cũng thuộc về miền hoang dã mênh mông như cô.
Một buổi tối cuối mùa xuân, karawai (con trai) đã có thể ê a những
tiếng mơ hồ đầu tiên. Cô thay đồ, mặc lại bộ quần áo cũ trước khi đến nhà