chúc, rác rưởi ngập ngụa khắp nơi, nước thải từ các cống ngầm bị tắc tràn
ra khắp mặt ngõ, đến nỗi chẳng còn chỗ nào sạch sẽ để người ta có thể đặt
chân vào. Đã thế, trên phố suốt ngày nồng nặc mùi xú khí xộc vào mũi,
khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi lại.
Trong con ngõ chật hẹp này, đám trẻ con mặc sức ném bóng, chạy
nhảy, đốt pháo, hò hét huyên náo... Tuy nhiên, con ngõ Hồ Lô thực sự rơi
vào thảm cảnh, bắt đầu từ lúc người và gia súc sống lẫn lộn; mối họa này
kẻ đầu têu không ai khác, chính là lão Thi - cháu đích tôn ba đời của cử
nhân thời Tiền Thanh Thi Tam Khẩu, hành nghề xem bói. Lão già này bỗng
một ngày nổi hứng lên nuôi mấy con lợn sau nhà, dần dần hình thành một
trào lưu, chẳng bao lâu trước sau hô ứng, nhà nhà người người nuôi lợn. Từ
đó đâu đâu cũng thấy những con lợn gầy như chó mực thả rông, chúng
tranh ăn, đái ỉa lung tung, cảnh huống này càng khiến người ta ngao ngán.
Căn phòng ổ chuột tôi thuê ở tầng hai nằm ngay sát vách nhà lão Thi,
vì vậy mỗi khi tôi mở cửa sổ ra, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là cảnh
bầy lợn háu ăn đang vục cái mõm to đùng vào máng tranh nhau ăn, điều đó
thường khiến bao nhiêu ý thơ của tôi bỗng chốc tiêu tan đâu hết. Tôi chỉ
còn cách đóng vội cửa sổ lại, oán trách số phận long đong, tiền khô cháy
túi, chẳng thể kiếm cho mình chỗ ở ra hồn.
Căn hộ tầng hai này bị ngăn thành mấy phòng nhỏ như chuồng chim,
hàng xóm bên trái của tôi là nàng vũ nữ dáng điệu thướt tha tên Lâm Hoa
Nhài, thường nửa đêm canh ba cô nàng mới rón ra rón rén “về tổ”, đánh
răng súc miệng, hát mấy ca khúc não nề rồi kết thúc bằng tiếng thở vắn
than dài khiến tôi giật mình tỉnh mộng. Láng giềng bên phải là anh chàng
sinh viên Giang Tân Sinh e ấp như gái đồng trinh, mang cặp kính cận bốn
độ, cả ngày không nói một câu, tôi không rõ cậu ta học trường nào, chỉ thấy
sáng vừa bảnh mắt ra cậu đã cắp mấy cuốn sách tiếng Tây vội vã ra khỏi
nhà, đến chiều gần lên đèn lại thất thểu trở về.