Mỗi lần đi qua cánh cửa khép hờ của cậu ta, tôi thường thấy cậu nhìn
chòng chọc xuống chuồng lợn nhà lão Thi, cứ như có kẻ thù nguy hiểm
đang nấp ở đó, buộc phải giám sát nghiêm ngặt 24/24 tiếng vậy. Thỉnh
thoảng tiếng giày của tôi khiến cậu ta giật mình quay lại nở nụ cười ngượng
nghịu, coi như đó cũng là cuộc hàn huyên ân cần của cậu ta đối với tôi vậy.
Hừng đông vừa rạng, tôi liền bật dậy khỏi giường, vơ vội nắm giấy
bổi chạy ra nhà xí công cộng. Ở đó tôi gần như bắt gặp hết thảy mọi cư dân
của ngõ Hồ Lô; những công dân nam giới ai nấy đều mặt mũi đăm chiêu,
cúi đầu trầm mặc, mang dáng dấp của một triết gia. Đám chị em phụ nữ thì
tay xách bình nước tiểu tráng men bóng loáng xếp hàng đứng chờ, ríu ra ríu
rít trò chuyện không dứt, chẳng khác gì bầy chim sẻ đứng trên sợi dây điện
đắm mình trong ánh ban mai hót líu lo.
Sau một hồi lịch sự nhường nhịn, cuối cùng tôi cũng may mắn lấy
được một chỗ cho mình, mãn nguyện ngồi xổm lên bệ xí nồng nặc mùi xú
khí, kiêu hãnh bài tiết thứ chất thải hôm qua không thăng hoa thành máu.
Sở dĩ tôi mang vẻ mặt hân hoan hồ hởi từ nhà xí công cộng trở về,
đương nhiên là có phần liên quan đến cái cảm giác khoan khoái dễ chịu sau
khi “giải quyết được nỗi buồn”, nhưng cũng phải thú thật rằng, niềm hân
hoan đó còn bắt nguồn từ một nguyên do khác. Sự thực mà nói, cảnh sắc
ban mai ở cái ngõ Hồ Lô nhếch nhác bẩn thỉu, nhìn đâu cũng thấy đám trẻ
con ngồi ỉa bậy dọc cống ngầm này chẳng có chút gì gọi là lãng mạn, nó
thiếu đi cái sắc thái truyền kỳ có thể làm xao xuyến con tim; nhưng mà tôi
vẫn hân hoan đến phát cuồng như vậy, đương nhiên cũng có lý do của nó.
Đúng lúc tôi đi qua cửa hiệu nhà lão Thi, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là
cuốn sách đóng chỉ bày trên chiếc bàn sơn đỏ.
Lão Thi đeo cặp kính lão đang chúi chiếc mũi cà chua vào cuốn sách,
miệng lẩm bẩm đọc thành tiếng cuốn Kinh Dịch huyền bí khó hiểu, cơ hồ
đến mức quên ăn quên ngủ. Có một lần lão hờ hững nói với tôi, đã ba mươi
năm ngày nào cũng như ngày nào lão đều đọc cuốn sách này nhưng cuối