Brian Greene
Giai điệu giây và bản giao hưởng vũ trụ
Phần III - Bản giao hưởng vũ trụ
Chương 6: Không có gì khác ngoài âm nhạc - những cơ sở của lý
thuyết siêu dây(2)
Dựa trên kết quả đó, hai người đã cho rằng lý thuyết dây sở dĩ thất bại ở
giai đoạn ban đầu của nó là bởi vì các nhà vật lý đã hạn chế quá đáng phạm
vi của nó. Lý thuyết dây không chỉ là thuyết của tương tác mạnh mà nó còn
là lý thuyết lượng tử bao hàm được cả lực hấp dẫn nữa...
Lược sử lý thuyết dây
Năm 1968, một nhà vật lý lý thuyết trẻ tên là Gabriele Veneziano đã trăn
trở rất nhiều nhằm giải thích những tính chất khác nhau của lực hạt nhân
mạnh mà người ta đã quan sát được bằng thực nghiệm. Hồi đó, Veneziano
đang làm việc ở CERN, trung tâm hạt nhân của châu Âu, đặt tại Geneva,
Thụy Sĩ. Trong nhiều năm ròng, ông đã nghiên cứu vấn đề này, và cho tới
một hôm, trong đầu ông chợt loé lên một phát hiện lạ lùng. Ông vô cùng
kinh ngạc nhận thấy rằng, một công thức vốn đã được nhà toán học Thụy Sĩ
nổi tiếng Leona Euler xây dựng khoảng hơn hai trăm năm trước đó cho
những mục đích thuần túy toán học và thường được gọi là hàm bêta Euler,
dường như lại mô tả được nhiều tính chất của các hạt tương tác mạnh. Phát
hiện của Veneziano đã cho ta sự thâu tóm rất có hiệu quả bằng toán học
nhiều đặc trưng của tương tác mạnh mẽ nhằm sử dụng hàm bêta và các
dạng tổng quát hóa của nó để mô tả một chuỗi những dữ liệu thực nghiệm
mà các nhà vật lý chuyên "hoàn tán" các nguyên tử trên khắp thế giới đã
thu lượm được. Tuy nhiên, theo một ý nghĩa nào đó thì phát minh của
Veneziano còn chưa đầy đủ. Tựa như một công thức mà một sinh viên học
thuộc lòng nhưng lại không hiểu ý nghĩa cũng như nguồn gốc của nó, hàm
bêta Euler đúng là rất có hiệu quả nhưng lại không một ai biết tại sao lại
như vậy. Đó là một công thức còn cần phải giải thích. Mãi cho tới tận năm
1970, những công trình của Yoichiro Nambu ở Đại học Chicago, Holger