khối lượng với năng lượng, mặt khác Planck và Einstein lại liên hệ năng
lượng với tần số của sóng, từ đó, bằng cách kết hợp hai mối liên hệ vừa
nêu, suy ra khối lượng cũng có thể hóa thân dưới dạng sóng. Sau khi
nghiên cứu một cách thận trọng theo đường lối suy nghĩ đó, ông đã đề xuất
rằng, cũng như ánh sáng là một hiện tượng sóng được lý thuyết lượng tử
chứng tỏ nó còn có cả cách mô tả hạt cũng có giá trị không kém, thì nay
electron, vốn thường được xem là hạt - cũng còn một cách mô tả sóng và có
giá trị không kém. Einstein ngay lập tức ủng hộ ý tưởng của de Broglie, ví
nó chính là sự phát triển tự nhiên từ những công trình của ông về thuyết
tương đối và photon. Tuy nhiên, thậm chí như vậy đi nữa, cũng không có gì
có thể thay thế được sự chứng minh bằng thực nghiệm. Và chẳng bao lâu
sau, Clinton Davisson và Lester Germer đã thực hiện được sự chứng minh
đó.
Vào giữa những năm 1920, Davisson và Germer, hai nhà vật lý thực
nghiệm làm việc tại công ty Bell Telephone, đã tiến hành nghiên cứu bắn
một chùm electron lên một tấm niken. Chi tiết duy nhất quan trọng đối với
chúng ta, đó là các tinh thể niken trong những thí nghiệm như thế có tác
dụng rất giống với hai khe trong thí nghiệm của Young mà ta đã xét ở mục
trước. Thực tế, bạn hoàn toàn có quyền xem thí nghiệm này y hệt như thí
nghiệm của Young chỉ có khác là bây giờ chùm electron được sử dụng thay
cho chùm sáng. Và chúng ta chấp nhận sẽ làm như vậy. Để quan sát và xem
xét các electron sau khi cho chúng đi qua hai khe, Davisson và Germer cho
chúng đập vào một màn huỳnh quang, màn này có tác dụng ghi lại vị trí mà
mỗi electron đập vào bằng một chấm sáng (hệt như đã xảy ra trong máy thu
hình). Và họ đã phát hiện được một điều hết sức lý thú, đó là bức tranh mà
họ thu được rất giống với bức tranh trên Hình 4.8. Do vậy, thí nghiệm của
họ đã chứng minh được rằng các electron cũng làm nảy sinh hiện tượng
giao thoa, một dấu hiệu đặc trưng của các sóng. Tại những vết tối trên màn
huỳnh quang, các electron bằng cách nào đó “triệt tiêu lẫn nhau” giống như
sự chồng lên nhau của một đỉnh và một hõm sóng nước. Thậm chí ngay cả
khi chùm electron được bắn ra “thưa thớt” tới mức, chẳng hạn chỉ 1
electron bắn ra trong 1 giây, thì các electron riêng rẽ, mặc dù mỗi lần chỉ