tạo nên một vết, nhưng cũng vẫn sẽ tạo thành những vân tối và vân sáng.
Cũng như với photon, các electron riêng rẽ bằng cách nào đó “giao thoa”
với nhau, theo nghĩa là sau một khoảng thời gian, các electron cũng sẽ tạo
dựng thành một bức tranh giao thoa gắn liền với các sóng. Vì vậy, chúng ta
buộc phải đi tới kết luận rằng mỗi một electron cũng thể hiện đặc tính sóng
cùng với đặc tính hạt vốn quen thuộc hơn của nó.
Mặc dù chúng ta đã mô tả điều này chỉ đối với electron, nhưng những thí
nghiệm tương tự đã dẫn chúng ta tới kết luận rằng toàn bộ vật chất đều có
đặc tính sóng. Nhưng kết luận đó làm thế nào có thể phù hợp với kinh
nghiệm hằng ngày của chúng ta về vật chất vốn được xem là rắn, bền vững
và chẳng có một chút gì giống với sóng cả? Thật hay là de Broglie đã đưa
ra một công thức tính bước sóng của vật chất và nó cho thấy rằng bước
sóng này tỷ lệ với hằng số Planck h. (Nói một cách chính xác, bước sóng
bằng hằng số Planck chia cho một động lượng của vật). Vì h có giá trị cực
nhỏ, nên các bước sóng cũng cực kỳ nhỏ so với thang hằng ngày của chúng
ta. Điều này giải thích tại sao đặc tính sóng của vật chất chỉ được thể hiện
rõ rệt trong những nghiên cứu vi mô. Cũng giống như giá trị lớn của vận
tốc ánh sáng c đã làm che lấp bản chất đích thực của không gian và thời
gian, giá trị cực nhỏ của h cũng làm che lấp những khía cạnh sóng của vật
chất trong thế giới hằng ngày của chúng ta.