mô về bản chất vốn đã là rất náo động.
Mặc dù ví dụ đó đã chuyển tải được mối quan hệ cơ bản giữa tính bất định
và sự náo động, nhưng thực sự nó mới hé lộ chỉ một phần của câu chuyện
mà thôi. Chẳng hạn, nó có thể dẫn bạn đến ý nghĩ rằng sự bất định xuất
hiện chỉ là do sự quan sát vụng về của chúng ta. Nhưng điều đó không
đúng. Ví dụ về một electron phản ứng dữ dội khi bị giam trong một hộp
nhỏ bằng cách chuyển động hỗn loạn với vận tốc lớn, có lẽ, gần với sự thực
hơn. Ngay cả khi không có những “cú hích trực tiếp” của các photon gây
nhiễu động của nhà thực nghiệm, vận tốc của các electron từ thời điểm này
tới thời điểm tiếp sau vẫn thay đổi một cách đáng kể và không thể tiên đoán
được. Nhưng ví dụ này cũng không phản ánh hết những đặc tính lạ lùng mà
nguyên lý bất định Heisenberg ban cho thế giới vi mô. Thậm chí trong
những tình huống yên tĩnh nhất mà ta có thể tưởng tượng được ra, như
khoảng không gian trống rỗng chẳng hạn, nguyên lý bất định cũng nói với
chúng ta rằng, trên quan điểm vi mô, ở đây cũng có sự hoạt động rất náo
nhiệt. Và sự hoạt động này sẽ càng náo nhiệt ở những thang khoảng cách
và thời gian còn nhỏ hơn nữa.
“Hệ thống kế toán” lượng tử có vai trò rất căn bản giúp ta hiểu được điều
đó. Trong chương trước chúng ta đã thấy rằng, hạt (như electron chẳng hạn)
có thể tạm thời vay năng lượng để vượt qua một rào chắn thực sự nào đó,
cũng như bạn tạm thời vay tiền để vượt qua một trở ngại tài chính lớn. Điều
này là đúng. Nhưng cơ học lượng tử buộc chúng ta phải đưa sự tương tự đó
đi thêm một bước quan trọng nữa. Hãy hình dung một con nợ kinh niên,
chạy vạy hết người bạn này đến người bạn khác để hỏi vay tiền. Giả sử
rằng thời gian mà người bạn cho vay càng ngắn, thì khoản tiền được vay
càng lớn. Bằng cách vay rồi trả, vay rồi trả, cứ liên tục như vậy không mệt
mỏi, anh ta nhận tiền chỉ để trả lại sao cho nhanh hơn. Giống như giá cả
chứng khoán trong ngày lên xuống như điên, số tiền mà con nợ kinh niên
của chúng ta có được thường xuyên chịu những thăng giáng rất lớn, nhưng
xét cho tới cùng thì tình trạng tài chính của anh ta cũng không gì hơn lúc
ban đầu.
Nguyên lý bất định Heisenberg khẳng định rằng, sự xê dịch tới lui như