Hình 6.4. Nhân quả đào được kẹp chặt và được vẽ bằng cách quan sát
những hạt thử bắn vào nó bị lệch như thế nào. Bằng cách dùng những hạt
thử bé dần: (a) đạn đá, (b). đạn nhựa 5 mm, (c) đạn nhựa 0,5mm, có thể vẽ
được hình ảnh chi tiết hơn.
Sau một lát, bức tranh tốt nhất mà Slim có thể vẽ được là bức tranh ở bên
phải hình 6.4a. Bằng cách quan sát quỹ đạo các viên đạn đá sau khi đập vào
nhân quả đào, Slim biết rằng nó có khối lượng nhỏ và bề mặt cứng. Nhưng
anh ta chỉ biết được có vậy thôi. Bởi lẽ các viên bi đá có kích thước quá lớn
nên không thể "cảm nhận" được cấu trúc nhăn nheo của nó. Khi liếc nhìn
bức vẽ của Jim (hình 6.4b), Slim ngạc nhiên thấy rằng Jim vẽ giỏi hơn
mình. Tuy nhiên, nhìn thoáng qua khẩu súng của Jim, Slim nhận ra ngay
mẹo vặt của cậu ta: những hạt đạn nhựa mà Jim sử dụng đủ nhỏ khiến cho
các nếp nhăn lớn nhất trên mặt nhân quả đào cũng có thể ảnh hưởng đến
góc lệch của chúng. Do đó, khi bắn nhiều viên đạn nhựa 5mm đó lên nhân
quả đào và quan sát các quỹ đạo bị lệch của chúng, Jim đã vẽ được hình
ảnh chi tiết hơn của nó. Không chịu thất bại, Slim quay về khẩu súng của
mình và nạp cho nó những viên đạn nhỏ hơn nữa, với kích thước chỉ bằng
nửa milimét. Với kích thước nhỏ như thế, những vết nhăn nhỏ nhất trên mặt
nhân quả đào cũng có thể ảnh hưởng đến góc lệch của chúng. Và bằng cách
quan sát quỹ đạo bị lệch của những viên đạn đó, anh đã vẽ được bức tranh
trên hình 6.4c và đã chiến thắng.
Bài học rút ra từ cuộc thi này đã rõ ràng: Hạt thử tiện ích không thể
lớn hơn nhiều so với những đặc điểm vật lý cần xem xét, nếu không,
chúng sẽ không "cảm nhận" được những cấu trúc mà ta cần quan tâm.
Tất nhiên, lý luận này vẫn còn đúng nếu ta muốn thăm dò nhân quả đào sâu
hơn, để xác định cấu trúc nguyên tử và dưới nguyên tử của nó. Những viên
đạn nhựa 0,5mm bây giờ không còn cho chúng ta những thông tin hữu ích
nữa, vì chúng quá lớn để có thể nhạy cảm được với cấu trúc ở thang nguyên
tử. Điều này giải thích tại sao các máy gia tốc hạt lại dùng các hạt thử là