giáng kết cục vẫn còn đáng kể, nhưng sự làm nhòe này đã làm trơn chúng
đủ để cứu vãn sự không tương thích giữa thuyết tương đối rộng và cơ học
lượng tử. Và đặc biệt, những vô hạn tai hại (đã dược thảo luận ở chương
trước) xuất hiện trong lý thuyết lượng tử của hấp dẫn, xây dựng trên cơ sở
các hạt điểm đã bị loại bỏ trong lý thuyết dây.
Một điểm khác biệt cơ bản giữa hình ảnh tương tự của mặt đá hoa
cương và cấu trúc thực của không gian, đó là luôn luôn có những cách
để phát hiện tính gián đoạn của mặt đá
, chẳng hạn, dùng các hạt thử nhỏ
hơn, chính xác hơn các ngón tay của chúng ta. Một kính hiển vi điện tử có
khả năng phân giải những đặc tính bề mặt tới nhỏ hơn một phần triệu
xentimét, điều này đủ để phát hiện nhiều khuyết tật ở bề mặt. Trái lại, trong
lý thuyết dây, không có một phương cách nào để phát hiện những khuyết
tật của cấu trúc không gian ở dưới thang chiều dài Planck. Trong vũ trụ bị
chi phối bởi những định luật của lý thuyết dây, quan niệm thông thường
cho rằng chúng ta luôn luôn có thể mổ xẻ tự nhiên tới những khoảng cách
nhỏ bao nhiêu cũng được, không có một giới hạn nào là không còn đúng
nữa. Thực tế, có một giới hạn mà khi vượt qua giới hạn đó chúng ta sẽ gặp
những bọt lượng tử tàn phá ghê gớm mà ta đã thấy trên hình 5.1. Do đó,
theo một ý nghĩa mà chúng ta sẽ nói chính xác hơn ở các chương sau, thậm
chí ta có thể nói rằng những thăng giáng dữ dội ở dưới thang Planck không
tồn tại. Một nhà thực chứng luận nói rằng có một cái gì đó gọi là tồn tại chỉ
nếu, ít nhất là về nguyên tắc, nó có thể thăm dò và đo đạc được. Vì các dây
được coi là những đối tượng cơ bản nhất của vũ trụ và vì nó quá lớn để bị
ảnh hưởng bởi những thăng giáng dữ dội ở những khoảng cách dưới thang
Planck của cấu trúc không gian, nên những thăng giáng này không thể đo
được và do đó theo lý thuyết dây thì chúng không xuất hiện.