Vũ trụ của chúng ta lại tạo bởi những hạt mang đúng những giá trị khối
lượng và điện tích đó?
Mặc dù có những điểm chung, nhưng việc xem xét bốn lực cơ bản lại đặt ra
nhiều câu hỏi mới. Trước hết, tại sao lại là bốn lực? Tại sao không phải là
năm, là ba hay thậm chí chỉ là một lực duy nhất? Tại sao các lực lại thể
hiện những tính chất rất khác nhau như vậy? Tại sao các lực hạt nhân mạnh
và yếu lại bị buộc chỉ đứng hoạt động ở mức vi mô, trong khi các lực hấp
dẫn và điện từ lại có tầm tác dụng vô hạn? Và cũng tại sao, cường độ của
bốn lực đó lại khác biệt nhiều như vậy?
Để bạn có được một ý niệm về sự khác biệt đó, hãy tưởng tượng mỗi tay
bạn đều giữ một electron và cố đưa chúng lại gần nhau. Hai hạt tích điện và
giống hệt nhau này sẽ hút nhau bởi lực hấp dẫn và đẩy nhau bởi lực điện từ.
Vậy lực nào sẽ thắng thế? Các electron sẽ hút lại gần nhau hay đẩy nhau ra
xa? Tất nhiên là lực đẩy sẽ thắng thế vì lực điện từ mạnh hơn lực hấp dẫn
tới một triệu tỷ tỷ tỷ tỷ (1042) lần. Và nếu như cơ bắp ở tay phải bạn tượng
trưng cho lực hấp dẫn, thì khi đó để tượng trưng cho lực điện từ, cơ bắp tay
trái bạn phải kéo dài tới tận bên ngoài biên giới tận cùng của Vũ trụ mà ta
quan sát được! Lý do duy nhất để giải thích tại sao lực điện từ không lấn át
lực hấp dẫn trong thế giới bao quanh chúng ta là bởi vì phần lớn các vật
được tạo bởi lượng điện tích dương và âm ngang nhau, do đó lực điện từ
triệt tiêu lẫn nhau. Trong khi đó, lực hấp dẫn chỉ là hút, nên không có sự
triệt tiêu như thế: càng có nhiều vật chất thì lực hấp dẫn chỉ càng mạnh
thêm. Hơn thế nữa, về bản chất lực hấp dẫn là một lực cực yếu. (Điều này
giải thích tại sao khẳng định bằng thực nghiệm sự tồn tại của graviton là
một việc rất khó. Do vậy, việc tìm kiếm cái bó nhỏ nhất đó của lực yếu nhất
này quả là một thách thức). Thực nghiệm cũng đã chứng tỏ được rằng lực
mạnh lớn gấp một trăm lần lực điện từ và lớn gấp một ngàn lần lực yếu. Và
ở đây, một lần nữa, một câu hỏi được đặt ra là: do đâu mà Vũ trụ chúng ta
lại có những đặc điểm đó ?
Đây không phải là câu hỏi được sinh ra từ sự triết lý bàn trà kiểu như tại
sao một số chi tiết lại xảy ra theo cách này mà không theo cách khác. Vấn
đề là ở chỗ Vũ trụ sẽ khác đi rất nhiều nếu ta làm thay đổi, dù chỉ là tí chút,