những tính chất của vật chất và các hạt tương tác. Ví dụ, sự tồn tại của các
hạt nhân bền vững tạo nên hơn một trăm nguyên tố trong Bảng tuần hoàn
phụ thuộc một cách sít sao vào tỷ số giữa cường độ của lực hạt nhân mạnh
và cường độ của lực điện từ. Thực vậy, lực điện từ giữa các proton bị giam
bên trong hạt nhân làm cho chúng đẩy nhau, trong khi đó, thật may mắn,
lực hạt nhân mạnh tác dụng giữa các hạt quark tạo nên chúng lại thắng lực
đẩy này và giữ chặt các proton lại với nhau. Nhưng chỉ cần một thay đổi
nhỏ trong cường độ tương đối của hai lực đó là sự cân bằng giữa chúng sẽ
bị phá vỡ và có thể sẽ làm cho phần lớn các hạt nhân nguyên tử bị phân rã.
Một ví dụ khác: nếu khối lượng của electron lớn hơn một chút, các electron
và proton sẽ có xu hướng kết hợp với nhau để tạo thành nơtron, khi đó thì
nguyên tử hiđrô (nguyên tố đơn giản nhất trong Vũ trụ với hạt nhân chỉ
gồm một proton duy nhất) sẽ biến mất và do đó làm cho quá trình sản xuất
ra các nguyên tố phức tạp hơn bị ngừng trệ. Các ngôi sao chỉ tồn tại được là
nhờ vào sự tổng hợp các hạt nhân trong lòng của chúng, với sự thay đổi
này, cũng sẽ không còn các ngôi sao nữa. Ở đây cường đồ của lực hấp dẫn
cũng đóng vai trò quan trọng. Mật độ lớn của vật chất trong lõi của các
ngôi sao có tác dụng duy trì lò lửa hạt nhân trong đó và dẫn tới sự phát sáng
của các ngôi sao. Nếu như lực hấp dẫn mạnh hơn một chút, lõi của các ngôi
sao sẽ hút mạnh hơn và do đó sẽ làm tăng nhịp độ diễn ra các phản ứng
tổng hợp hạt nhân. Cũng giống như các bó đuốc sáng sẽ tiêu thụ nhiên liệu
nhanh hơn một ngọn nến cháy chậm rãi, nếu nhịp độ xảy ra các phản ứng
tổng hợp hạt nhân gia tăng, thì các ngôi sao như Mặt Trời của chúng ta sẽ
tắt nhanh hơn và do đó việc tạo thành sự sống như chúng ta đã biết sẽ hoàn
toàn là chuyện đáng ngờ. Trái lại, nếu lực hấp dẫn yếu hơn một chút, vật
chất sẽ phân tán và do đó sẽ không có các ngôi sao cũng như chẳng có các
thiên hà.
Những ví dụ trên còn có rất nhiều, nhưng ý tưởng này đã là rõ ràng: Vũ trụ
của chúng ta như nó hiện nay là bởi vì vật chất và các tương tác của chúng
có những tính chất như chúng đang có. Nhưng liệu có một giải thích khoa
học cho câu hỏi: Tại sao chúng lại có những tính chất đó?
Bảng dưới đây khá chi tiết hơn so với Bảng 1.1., trong đó liệt kê khối