ba trăm ngàn kilômét trong một giây, tức hơn một tỷ kilômét trong một giờ!
Với vận tốc đó người ta có thể chạy vòng quanh Trái Đất hơn 7 vòng trong
1 giây. Nếu giả thử Slim cho xe chạy không phải với vận tốc 200km/h mà
là 900 triệu km/h (tức khoảng 83% vận tốc của ánh sáng), thì những tính
toán theo thuyết tương đối sẽ cho kết quả là chiều dài chiếc xe mà Jim đo
được chỉ dài hơn 2m chút ít, nghĩa là khác rất xa với kết quả đo của Slim
(cũng là khác xa với chiều dài ghi trong lý lịch của xe). Tương tự, thời gian
chạy xe trên đường đua theo phép đo của Lim dài hơn gần hai lần so với
phép đo của Slim.
Vì những vận tốc lớn như thế nằm ngoài khả năng đạt được của các phương
tiện thông thường, nên các hiệu ứng “giãn nở thời gian” và “co Lorenzt”
không gian (thuật ngữ chuyên môn của các nhà vật lý dùng để gọi các hiện
tượng mô tả ở trên) là cực kỳ nhỏ bé trong đời sống thường nhật của chúng
ta. Nếu chúng ta có dịp được sống trong một thế giới mà các vật thường
chuyển động gần với vận tốc ánh sáng, thì những tính chất nói trên của
không gian và thời gian sẽ trở nên trực quan, (vì chúng ta cảm nhận được
chúng hàng ngày) và đối với chúng ta, chúng cũng sẽ hiển nhiên như
chuyển động biểu kiến của những hàng cây bên đường mà ta đã nói tới ở
đầu chương. Nhưng vì chúng ta không sống trong một thế giới như thế, nên
những đặc tính đó mới trở nên xa lạ như vậy. Và như chúng ta sẽ thấy, để
hiểu và chấp nhận chúng, chúng ta phải vứt bỏ hoàn toàn quan niệm của
chúng ta về thế giới.