quy chiếu của người quan sát khác? Sẽ là tự nhiên hơn nhiều đối với các
định luật của vũ trụ, nếu như mọi người quan sát đều bình đẳng với nhau.
Điều này được thực hiện thông qua nguyên lý tương đương và đưa lực hấp
dẫn vào cấu trúc của vũ trụ. Mặc dù phải có một kiến thức toán học nhất
định với đánh giá được một cách đầy đủ, nhưng như chúng ta đã chỉ trong
chương 5, có một lôgic tương tự đối với những đối xứng chuẩn - nền tảng
của ba lực phi hấp dẫn.
Lý thuyết dây đã đưa chúng ta xuống sâu một nấc nữa trên những bậc thang
của sự giải thích, bởi vì tất cả những nguyên lý đối xứng được trình bày ở
trên cũng như một nguyên lý đối xứng khác là siêu đối xứng đều xuất hiện
từ cấu trúc của nó. Thực tế, nếu như lịch sử đi theo một con đường khác và
các nhà vật lý đã đi tới lý thuyết dây khoảng vài trăm năm trước, thì chúng
ta có thể hình dung được rằng, tất cả những nguyên lý đối xứng nói trên đã
được phát hiện ra bằng cách nghiên cứu những tính chất của lý thuyết dây.
Nhưng bạn phải ghi nhớ kỹ điều này: trong khi nguyên lý tương đương cho
chúng ta một hiểu biết nhất định về lý do tồn tại của lực hấp dẫn và các
nguyên lý đối xứng chuẩn cho biết lý do tồn tại của ba lực phi hấp dẫn, thì
trong bối cảnh của lý thuyết dây các đối xứng đó chỉ là những hệ quả. Mặc
dù tầm quan trọng của các đối xứng này không vì thế mà giảm đi, nhưng
chúng là một bộ phận của sản phẩm cuối cùng có cấu trúc lý thuyết rộng
lớn hơn nhiều.
Điều này dẫn tới một câu hỏi nổi cộm sau: vậy chính bản thân lý thuyết dây
có là một hệ quả không tránh khỏi của một nguyên lý nào đó rộng lớn hơn -
có thể nhưng không nhất thiết phải là một nguyên lý đối xứng nào đó -
giống như nguyên lý tương đối không tránh khỏi dẫn tới thuyết tương đối
rộng và những nguyên lý đối xứng chuẩn không tránh khỏi dẫn tới các lực
phi hấp dẫn hay không? Khi tôi đang ngồi viết các dòng này thì chưa có ai
có một ý tưởng gì về việc trả lời câu hỏi ấy. Để đánh giá hết tầm quan trọng
của nó, chúng ta chỉ cần hình dung Einstein định xây dựng thuyết tương đối
rộng mà không có được cái tư tưởng hay ho mà ông đã ngộ ra tại văn
phòng đăng ký sáng chế ở Bern vào năm 1907, cái ý tưởng đã dẫn dắt ông
tới nguyên lý tương đương. Có lẽ không phải là ông không thể làm được