phần nào ý tưởng của Susskind và t Hooft bằng cách nghĩ về entrôpy của lỗ
đen như được thảo luận ở chương 13. Nên nhớ rằng entrôpy của lỗ đen
được xác định bởi diện tích bề mặt chân trời sự kiện của nó, chứ không
phải bởi thể tích không gian giới hạn trong bề mặt đó. Do đó, mức độ hỗn
loạn của một lỗ đen và cả thông tin mà nó có thể chưa đựng đều được mã
hóa trong những dữ liệu hai chiều của diện tích bề mặt. Điều đó gần tựa
như chân trời sự kiện của lỗ đen đóng vai trò như một bức toàn ảnh, thâu
tóm toàn bộ thông tin chứa ở vùng không gian ba chiều bên trong lỗ đen.
Susskind và t Hooft đã tổng quát hóa ý tưởng đó cho toàn bộ vũ trụ bằng
cách cho rằng mọi thứ xảy ra bên trong vũ trụ đó đơn thuần chỉ là sự phản
ánh dữ liệu và các phương trình được xác định trên bề mặt biên giới ở rất
xa. Mới đây công trình của nhà vật lý Juan Maldacena thuộc Đại học
Narvard cùng với những công trình sau đó của Witten và của nhà vật lý
Steven Gubser, Igor Klebanov và Alexande Polyakov thuộc Đại học
Princeton đã chứng tỏ được rằng, ít nhất cũng là trong một số trường hợp,
lý thuyết dây đã chứa đựng nguyên lý toàn ảnh. Theo những nghiên cứu
hiện nay thì vật lý của một vũ trụ được chi phối bởi lý thuyết dây có một
mô tả tương đương liên quan chỉ với vật lý xảy ra trên mặt biên giới như
vậy- một mặt nhất thiết phải có số chiều thấp hơn vùng bên trong của nó.
Một số nhà lý thuyết dây còn cho rằng sự hiểu biết đầy đủ về nguyên lý
toàn ảnh cũng như vai trò của nó trong lý thuyết dây có thể sẽ dẫn tới cuộc
cách mạng siêu dây lần thứ ba.