là ở cấp độ vi mô, Vũ trụ vận hành một cách mù mờ và xa lạ tới mức trí tuệ
con người, một trí tuệ đã được tiến hóa từ nhiều thế kỷ, đã chinh phục được
nhiều hiện tượng diễn ra ở thang quen thuộc hằng ngày lại không thể lĩnh
hội được đầy đủ “những cái thực sự đang diễn ra”? Hay liệu có thể là, do sự
ngẫu nhiên của lịch sử, các nhà vật lý đã xây dựng được một hình thức luận
còn cực kỳ vụng dại của cơ học lượng tử, khiến cho, mặc dù nó đã rất thành
công về phương diện định lượng, nhưng lại làm lu mờ đi cái bản chất đích
thực của thực tại? Điều này thì hiện chưa ai biết được. Có thể một ngày nào
đấy trong tương lai, một người thông minh nào đó sẽ nhìn ra một hình thức
luận mới có khả năng làm phát lộ đầy đủ những “cái tại sao” và “cái gì”
trong cơ học lượng tử cũng nên. Có thể như vậy... và cũng có thể không.
Điều duy nhất mà chúng ta biết chắc chắn, đó là cơ học lượng tử đã chứng
tỏ một cách tường minh rằng nhiều khái niệm cơ bản có tầm quan trọng
hàng đầu đối với việc tìm hiểu thế giới quen thuộc hằng ngày của chúng ta
sẽ không còn ý nghĩa nữa khi bước vào địa hạt vi mô. Kết quả là, chúng ta
phải thay đổi đáng kể cả ngôn ngữ cũng như lối suy luận của chúng ta khi
định tìm hiểu và giải thích Vũ trụ ở các thang nguyên tử và dưới nguyên tử.
Trong các mục sau, chúng ta sẽ phát triển những cơ sở của ngôn ngữ này và
mô tả một số hệ quả rất bất ngờ được suy ra từ đó. Nếu như dọc đường mà
bạn cảm thấy cơ học lượng tử quá bí hiểm, thậm chí nực cười, thì bạn hãy
ghi nhớ trong đầu hai điều sau. Thứ nhất, ngoài sự thực nó là một lý thuyết
toán học hết sức nhất quán ra, lý do duy nhất khiến chúng ta tin tưởng vào
cơ học lượng tử là bởi vì nó cho những tiên đoán đã được kiểm chứng tới
độ chính xác đáng ngạc nhiên. Nếu có ai đó có thể nói chính xác với bạn rất
nhiều chi tiết thầm kín về thuở ấu thơ của bạn, thì bạn khó có thể không tin
khi người đó tuyên bố rằng ông (hoặc bà) ta là người họ hàng lưu lạc đã lâu
của bạn. Thứ hai, bạn không hề đơn độc khi có những phản ứng như thế đối
với cơ học lượng tử. Ngay cả những nhà vật lý vĩ đại nhất của mọi thời đại
cũng có cảm nhận như vậy, chỉ có điều ở mức độ lớn hay nhỏ hơn mà thôi.
Einstein đã hoàn toàn không chấp nhận cơ học lượng tử. Và thậm chí cả
Niels Bohr, một trong những người tiên phong chủ chốt của lý thuyết lượng
tử và là người bảo vệ nó một cách cuồng nhiệt nhất, cũng đã có lần thốt lên