“Tôi sẽ cần thảm mới, rồi phải thay thế bao nhiêu thảm sàn và một
thảm tường nữa. Rắc rối lớn là tác hại do khói. Chúng ám vào mọi thứ.
Tổng thiệt hại dễ lên đến cả trăm ngàn đô. Phân nửa quần áo của tôi đi tong
rồi. Bốc mùi kinh lắm.”
“Xin lỗi.”
Bao trùm hai người là bầu không khí im lặng khó chịu, rõ ràng Edwin
không muốn nói về những sự kiện khủng khiếp vài ngày trước. Với cô thế
cũng tốt thôi. Gã bắt đầu tán chuyện về âm nhạc, về một vài trong số những
người phụ nữ sáng tạo ra dòng nhạc đồng quê. Gã nói về những bản ghi âm
trong bộ sưu tập của mình - gã vẫn nghe rất nhiều nhạc trên các đĩa hát chơi
được 33⅓ vòng/phút, sắm được cả một máy quay đĩa đắt tiền. Kayleigh
cũng nghĩ rằng đĩa than - những bản ghi âm analog - cho ra âm thanh tinh
khiết nhất, hay hơn hẳn kỹ thuật số có chất lượng tốt nhất.
Edwin nói rằng gã vừa tìm thấy vài đĩa single của Kitty Wells trong
một cửa hàng bán đĩa ghi âm dùng rồi ở Seattle.
“Anh thích bà ấy không?” Kayleigh ngạc nhiên hỏi. “Bà ấy là một
trong những ca sĩ yêu thích của tôi đấy.”
“Tôi có gần như mọi đĩa ghi âm của bà ấy. Em biết bà ấy có ca khúc
đứng đầu trên Billboard khi đã sáu mươi tuổi không?”
“Có, tôi biết.”
Kitty Wells bắt đầu đi hát vào những năm 1950, là một trong những
phụ nữ đầu tiên được vinh danh trong Tòa nhà Danh dự Nhạc Đồng quê.
Họ nói chuyện về nhạc đồng quê thời đó - Nashville so với Texas và
Bakersfield. Cô phá lên cười khi Edwin trích câu của Loretta Lynn, người
đã khẳng định được tên tuổi trong ngành công nghiệp thu âm vốn chỉ dành
cho phái mạnh. “Một người phụ nữ chỉ có giá hai xu sẽ là hai xu giá trị
trong thế giới nhạc đồng quê.”
Theo ý kiến Edwin, nhạc đồng quê đại diện cho những gì hay nhất của
nền âm nhạc thương mại, hay hơn nhạc pop và hip-hop nhiều. Nó được trau
chuốt kỹ lưỡng, sử dụng những giai điệu lý tưởng, kết hợp được các chủ đề
về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống con người, như gia đình, tình
yêu, công việc thậm chí cả chính trị. Và các nhạc sĩ là những thợ thủ công