- Rứa là nó mê chị rồi.
Hai sinh viên gượng cười. Má tôi mời:
- Mời vô trong nhà, đừng đứng ngoài ni mà họ dòm ngó.
Hà đi dẫn đầu:
- Vô đi, vô nhà nghỉ đi.
Hai người sinh viên khệ nệ ôm mỗi người một bao cát to tướng. Gần
năm trăm cái bao. Làm hầm đủ rồi. Hà nói. Má tôi hỏi sao ông Minh không
đưa xuống. Hà nói ông bận đi tải thương. Mỹ tới cầu Bến Ngự rồi, nhờ Mỹ
tới cầu nên quân giải phóng rút bớt lên ngả núi mà nhiều người mới chạy
thoát được. Hà cho biết trên Từ Ðàm, đại bác câu như mưa, càng ngày càng
dữ dội.
Ngay chiều hôm đó, cả nhà hiệp lực đào hầm lại. Mãi tới ngày hôm sau
hầm mới dựng xong. Cái hầm cũ ở trong nhà vẫn còn giữ lại vì nhà quá
đông. Chúng tôi đã mua được ít thức ăn, và mỗi lần ông Minh xuống chúng
tôi lại gửi lên được một ít tiếp tế cho trên gia đình anh chị.
Cách ngày sau, một gia đình ở Từ Ðàm bạo gan đi ngả Tây Thiên, trốn
về được An Cựu. Nhà này gánh gồng theo được nhiều thứ lắm, vì hai vợ
chồng ông ta là chủ một quán tạp hóa. Ngang nhà tôi, họ tràn vào và xin ở
tạm. Má tôi bằng lòng ngay. Họ chiếm ngay căn nhà bếp, lật đật giở hết cửa
ra làm hầm. Ông chủ nhà này còn đem theo được cả xe gắn máy, cả dầu
hôi, ông có đứa con gái bằng tuổi Hà. Vậy là hai cô nhỏ bàn nhau tìm cách
trở lên Từ Ðàm, liên lạc với những người còn kẹt lại để trốn về An Cựu.
Ba bốn lần đi về không, mới có một lần đi lọt được. Anh Lễ tôi nhắn về
là thế nào cũng thoát xuống An Cựu, nhưng đợi cho quân giải phóng rút
bớt đã, sợ họ để ý.