tranh bát gạo, miếng thức ăn. Giọng cha Sở không còn thanh, lớn như trước
mà khản đặc lại. Cha đã hò hét, can thiệp, lo lắng quá nhiều cho đám đông
chạy vào nhà Dòng. Gạo chắc cũng không còn bao nhiêu để phát tiếp...
Có một người không hề để ý tới gạo, tới thức ăn. Không xếp hàng, chìa
tay lĩnh gì hết. Ðó là chị đàn bà ôm cái bọc vải, ngồi yên lặng ở một góc,
chăm chỉ ru đứa con ngủ. Cả mẹ không ăn, cả con không bú. Cha Sở đem
tới cho chị một vắt cơm, chị ăn cầm chừng, hình như rứt rứt từng hột cơm
bỏ vô miệng nhai sẽ đỡ bớt cho chị một chút ray rứt chứ không phải để
mưu cầu sự sống? Riết rồi người ta cũng mặc kệ chị, không ai thèm chú ý.
Ngoài đường cũng không còn người chạy loạn. Cả thành phố như chìm
ngủ trong mưa phùn và giá lạnh. Cha Sở đã đóng cửa nhà thờ, chừng này
người đã thiếu không khí để thở.
Qua ngày thứ ba, mọi người đang có chút hy vọng là mọi chuyện sẽ khá
hơn thì ngay lúc gần sáng, mọi người đang ngủ bị dựng cổ dậy vì tiếng
súng. Nhiều người đang nằm trên băng ghế lăn đại xuống đất, bất kể đè lên
trên người khác. Tiếng súng nhỏ, rồi súng lớn. Ðoàng. Ðùng. Ðùng. Nhà
thờ rung lên.
Ánh chớp của bom đạn, của lửa. Và choang, ầm, choang. Vài tấm kiếng
trêm vòm nhà thờ vỡ. Lúc này thì không đủ gan lì để nằm ráng trên băng
ghế được nữa. Tôi cũng lăn hay té xuống giữa những hàng ghế. Người nằm
phải lồm cồm ngồi dậy để khỏi phải chồng lên nhau. Thái đã kéo má tôi lọt
vào giữa. Bom đạn bên ngoài càng ngày càng bắn rát, dữ dội. Chúng tôi cứ
ngồi khít lên nhau, ôm chầm lấy nhau, cận kề cái chết cho tới sáng thì biết
còn sống vì tiếng đạn thưa thớt dần rồi dứt.
Nghe ngóng, chờ đợi một lúc, tôi và Thái cùng vài người nữa bạo gan đi
ra ngoài. Con đường dẫn ra bờ sông hôm nay đầy rác rưởi, dơ bẩn như một
cánh tay của một tử thi đã rữa nát dưới mưa gió, còn muốn chuồi tới bến
sông để rửa ráy. Nhiều ngôi nhà sập, nhiều nhà cửa, cây cối cháy rụi.