Tôi nhìn về phía sau ông ấy, tôi trông thấy những bông hoa màu vàng, một
ngọn núi lớn và bầu trời xanh. Gương mặt ông ấy có màu cát trắng, mái tóc
màu vàng nâu, với ánh mắt nhân từ. Tôi cảm nhận sự bình yên, ngắm nhìn
cây cối và tôi muốn chạy về phía ấy, nhưng ông ấy ngăn tôi lại. Ông xoay
người tôi lại, và nhẹ nhàng kéo tôi về phía ngược lại, xuyên qua đường
hầm, rồi tôi nghe bác sĩ nói: “Chúng ta cứu được cô ấy rồi”. Tôi không còn
đau đớn gì khi quay trở về thể xác của mình, tôi chỉ thấy hơi tức ngực và
khó chịu trong dạ dày.
Christopher được phẫu thuật để xử lý chứng bệnh tim nghiêm trọng
của mình. Anh được gây mê cục bộ, thường gọi là “giảm đau nhưng tỉnh
táo”. Anh ấy dùng thuốc an thần loại mạnh và tim ngừng đập. Christopher
mô tả cảm giác rằng ý thức của anh tỉnh táo hơn sau khi tim anh ngừng đập,
đây là điều dường như không thể xảy ra:
Lúc ấy tôi biết rằng tôi bị hội chứng Wolf-parkinson-White, một
chứng bệnh có thể gây đột tử. Tôi không biết điều gì xảy ra với mình,
nhưng trong khoảnh khắc đó, tim tôi bắt đầu ngừng đập. Dù đã được tiêm
thuốc giảm đau, nhưng tôi vẫn có cảm giác đau quanh vết thương; khi tim
tôi thực sự ngừng đập một cảm giác an bình bao trùm lấy tôi. Tôi biết rõ
những gì diễn ra quanh mình. Khi linh hồn tôi bay lên, tôi nhìn thấy bác sĩ
tìm cách kích thích tim tôi, ông ấy lặp lại thao tác này vài lần. Khi quay lại
với thể xác của mình, tôi hoàn toàn cảm thấy bình an, không một chút lo
lắng. Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời tôi.
TỈNH TÁO NHƯNG VÔ THỨC
Trong những chương trước, tôi đã trình bày các vấn đề cốt lõi dựa
vào nghiên cứu của NDERF trên 613 cận tử nhân, tất cả các TNCT đều có
thang điểm từ 7 trở lên. Để so sánh nội dung của TNCT xảy ra trong khi
gây mê toàn phần với các TNCT khác, tôi tận dụng nhóm 613 cận tử nhân
này.
Nghiên cứu này gồm 23 cận tử nhân kể về trải nghiệm của mình tại
khoảnh khắc được gây mê toàn phần. Nhiều người mô tả khoảnh khắc tim