giấy biên nhận tiền như sau: "Tiền công một nhát búa – 1 mác và 9.999 mác
trả cho việc suy nghĩ để biết cần đập nhát búa vào đâu".
Nói một cách nôm na, khả năng biến đổi thông tin thành tri thức là khả
năng mà trong đời sống hàng ngày chúng ta thường hay nhắc đến: Mọi
người đều nhìn (đọc, xem), nghe, ngửi, sờ, nếm thông tin nhưng không phải
ai cũng "thấy" (phát hiện, suy luận ra cái gì đó có ích) tri thức. Khả năng
"thấy" ở những người khác nhau thì khác nhau.
Ở thời đại thông tin, một mặt, nhờ những thành tựu của công nghệ thông
tin, thông tin ngày nay truyền rất nhanh (hầu như đến tức thì, ngay khi sự
kiện vừa xảy ra), rất nhiều (văn bản, tiếng nói, hình ảnh màu tĩnh, động, ba
chiều…), lưu trữ rất gọn (một máy tính xách tay và bộ đĩa chứa cả nhiều tủ
sách), truy cập, tìm kiếm dễ… Tuy nhiên, trừ loại thông tin có ích lợi thấy
ngay đối với người nhận tin, các loại thông tin khác vẫn phải cần bộ não của
người nhận tin xử lý, biến đổi để trở thành thông tin có ý nghĩa và ích lợi (tri
thức) cho người nhận tin. Mặt khác, do bùng nổ thông tin, thông tin quá
nhiều trở thành thách thức đối với việc biến thông tin thành tri thức. Trước
thời đại thông tin, các nhà lãnh đạo, quản lý ra quyết định sai thì nói rằng do
thiếu thông tin. Ngày nay, họ vẫn ra quyết định sai với lý do ngược lại:
nhiều thông tin quá.
Câu chuyện dân gian Việt Nam "Đẽo cày giữa đường" cho thấy, trong
môi trường nhiều thông tin mà người nhận tin không có khả năng lọc, diễn
giải, suy luận, xử lý, đánh giá, phát hiện các ích lợi để sử dụng, hay gọi
chung là khả năng biến đổi thông tin thành tri thức (ra quyết định đúng), có
thể phải trả giá như thế nào. Tóm tắt câu chuyện như sau:
“Một người lấy một khúc gỗ tốt mang ra ngoài đường dự định đẽo một cái
cày. Vì đẽo ngoài đường, những người đi ngang qua "tham mưu" cho anh đủ
loại ý kiến. Nói cách khác, anh nhận được rất nhiều thông tin. Thiếu khả
năng biến đổi thông tin thành tri thức, anh đã ra những quyết định sai. Kết
quả, từ khúc gỗ tốt ban đầu, trong tay anh, thay vì cái cày chỉ còn lại que
tăm xỉa răng”.