cũ, cái đã có, cái đã biết), phát triển phải có những ích lợi, những tiến bộ,
những hoàn thiện hơn cái cũ, cái đã có, cái đã biết. Nói cách khác, sáng tạo
tạo ra sự phát triển và ngược lại trong sự phát triển có sáng tạo. Vậy, theo
G.S. Altshuller, đi tìm các quy luật sáng tạo chính là đi tìm các quy luật phát
triển.
Trong khi các cách tiếp cận truyền thống quan niệm: đi tìm các quy luật
sáng tạo là đi tìm các quy luật tư duy sáng tạo (các quy luật tâm-sinh lý của
bộ não con người, xem Hình 22: Cách tiếp cận truyền thống trong Sáng tạo
học và PPLSTVĐM) thì G.S. Altshuller đòi hỏi sự nghiên cứu rộng hơn
nhiều.
Từ Vụ nổ lớn (Big Bang) đến nay, vũ trụ nói chung và sau này Trái Đất
của chúng ta (bao gồm tự nhiên, xã hội, tư duy) nói riêng đã trải qua biết bao
tiến hóa và phát triển. Sự tiến hóa và phát triển này diễn ra theo những quy
luật khách quan nhất định. Chúng có thể và cần phải được nhận thức. Về
mặt nguyên tắc, nhà sáng tạo học phải nghiên cứu tất cả các thông tin phản
ánh sự phát triển nói trên (kể cả những phát triển không có sự tham gia của
con người) để tìm ra các quy luật phát triển khách quan chung làm cơ sở xây
dựng PPLSTVĐM. Điều này giải thích vì sao trong định nghĩa khái niệm
sáng tạo (xem mục 1.2. Một số khái niệm cơ bản và các ý nghĩa của chúng),
từ "hoạt động" được dùng với nghĩa rất rộng, chứ không phải nghĩa hẹp
"hoạt động" của riêng con người. Đấy chính là "hoạt động tạo ra sự phát
triển của bất kỳ đối tượng nào" và sự phát triển là thuộc tính của vật chất
(hiểu theo nghĩa triết học).
4.2.2. Sáng tạo của con người: Khía cạnh chủ quan và khía cạnh
khách quan
Những sáng tạo của con người, một mặt, mang tính chủ quan vì chúng
được tạo ra bởi những con người cụ thể. Mặt khác, những sáng tạo của con
người được tự nhiên, xã hội tiếp nhận một cách đầy đủ, ổn định và bền vững
mới là những sáng tạo, tạo ra sự phát triển thực sự. Tuy sự phát triển loại
này do con người tạo ra nhưng nó vẫn phải tuân theo các quy luật phát triển