Khi học phổ thông, cũng như các bạn khác, qua lời thầy cô, qua các quyển
sách, tôi rất khâm phục các nhà bác học, sáng chế, các nhà văn, nhà thơ, và
cũng ước mơ tự mình có được cái gì đó mới để đóng góp với đất nước, với
nhân loại. Trong đầu tôi nảy sinh câu hỏi: "Những người đó nghĩ như thế
nào mà ra được những cái tuyệt vời như vậy?" Ngay cả khi giải bài tập
chung trên lớp, có những bài tập các bạn khác giải rất nhanh, xung phong
lên giải cho cả lớp, tôi lại thắc mắc: "Các bạn đó nghĩ như thế nào mà giải
bài tập nhanh thế?"
Các câu hỏi kiểu nói trên càng ngày càng xuất hiện nhiều lần trong tôi,
đến mức, gần như hàng ngày. Tôi đem chúng trao đổi với bạn bè, hỏi người
lớn nhưng không thấy thỏa mãn, chưa kể có khi chính các câu trả lời lại làm
nảy sinh thêm các câu hỏi mới.
Khi học các quy luật trong các môn lý, hóa, sinh tôi lại liên hệ: "Còn
trong suy nghĩ có quy luật không?, Tại sao không thấy dạy ở phổ thông hay
phải học lên cao nữa?, Tại sao mình không tự tìm hiểu cách nghĩ của chính
mình?"
Trong các môn học, đầu tiên tôi chọn môn toán để tự kiểm tra xem mình
nghĩ như thế nào khi giải các bài tập. Nhiều lần, sau khi giải xong một bài
toán, tôi hồi tưởng lại các bước nghĩ của mình, cố gắng lý giải một cách
lôgích quá trình suy nghĩ, kể cả những bài toán mà lời giải bật ra thật bất
ngờ, tưởng chừng như sự may mắn giúp đỡ. Không phải tất cả các bài toán
tôi đều lý giải được một cách lôgích nhưng lần nào thành công thì thấy rất
phấn khởi. Bằng cách tự rút kinh nghiệm, tôi thấy suy nghĩ của mình khá lên
đôi chút, từ đó thấy tự tin hơn và yêu thích giải bài tập (không chỉ riêng môn
toán) hơn.
Năm 1967, tôi được cử đi học ngành vật lý thực nghiệm ở Liên Xô. Sau
năm dự bị học tiếng Nga, tôi vào học tại Đại học tổng hợp quốc gia
Azerbaigian, thành phố Baku. Tiếng Nga, các hiệu sách và các thư viện đã
tạo thêm điều kiện cho tôi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lâu nay vẫn
cứ ám ảnh mình. Có thời gian rảnh rỗi, tôi đi dạo các hiệu sách tìm mua, vào
các thư viện tìm đọc các tài liệu nói về hoặc liên quan đến tư duy. Hiểu biết