của tôi tăng lên rõ rệt. Một số cái đọc được tôi áp dụng cho suy nghĩ của
mình và thấy kết quả khả quan. Tuy nhiên tôi vẫn muốn biết nhiều hơn nữa,
cụ thể và thiết thực hơn nữa.
Tôi cho rằng, thói quen tìm kiếm các sách về tư duy sáng tạo để đọc chắc
chắn giúp tôi, trước sau gì cũng đến với TRIZ. Và trong cái tất yếu đó đã
xảy ra cái ngẫu nhiên may mắn, không gì thay thế được.
Năm 1971, tôi đang học năm thứ 4. Một lần, thầy dạy môn “Lý thuyết
chất rắn” đến muộn. Tôi tranh thủ ngồi tán dóc với mấy bạn sinh viên Liên
Xô ngồi cạnh. Mười lăm phút đã trôi qua mà thầy vẫn chưa đến. Tôi lại đem
các câu hỏi vẫn thường trực trong đầu ra trao đổi. Anh Anđrei cho tôi biết
Hiệp hội các nhà sáng chế và hợp lý hóa Liên Xô vừa thành lập Trường đại
học sáng tạo sáng chế (Public Institute of Inventive Creativity), dạy các
phương pháp tư duy sáng tạo. Chính anh ấy đang theo học thêm ở đó và thấy
rất thú vị. Giống như người khát gặp nước uống, tôi liền nhờ Anđrei sau
buổi học ở Trường đại học tổng hợp dẫn tôi theo xin học.
Chúng tôi đi sớm, đến chào Thầy và sau vài câu giới thiệu của Anđrei, tôi
vội vàng xổ một tràng dài những gì đã chuẩn bị trước. Chẳng là tôi có nhiều
cái lo: trường đã khai giảng được một thời gian mà bây giờ mình mới đến, lỡ
đủ chỗ rồi thì sao, lỡ môn này không cho người nước ngoài học thì sao, lỡ…
Tóm lại đó là những nỗi lo không được nhận vào học. Thầy lắng nghe chăm
chú không ngắt lời và chẳng dè Thầy chỉ nói ngắn gọn làm tiêu tan luôn
những câu tôi dự định sẽ trả lời Thầy, nếu Thầy hỏi. Thầy nói: "Nếu anh yêu
thích tư duy sáng tạo, xin mời, anh cứ vào học tự nhiên. Tôi nghĩ rằng
những gì học ở đây sẽ giúp ích cho anh và đất nước anh hùng của anh. Có
gì khó khăn chúng tôi sẽ giúp anh". Nghe thấy thế tôi sướng bổng người,
tưởng chừng như chân không còn chạm đất nữa. Và từ đó, một cuộc đời mới
bắt đầu.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Thầy Genrikh Saulovich Altshuller. Tôi cứ nghĩ
rằng người dạy sáng tạo chắc phải nhiều tuổi (để có nhiều kinh nghiệm sáng
tạo chia sẻ với những người khác) nên khá ngạc nhiên khi gặp Thầy. Thầy
trông rất thể thao, rất thanh niên, có lẽ do dáng người cân đối, nhanh nhẹn,