vi hẹp, quy mô nhỏ của các xưởng sản xuất, ở đó tất cả mọi người làm việc
đều có các ích lợi và mối quan tâm chung.
Tuy nhiên, lịch sử xã hội loài người cho thấy, đã từng có những trường
hợp sáng chế được sự bảo hộ đặc biệt từ phía cộng đồng:
Nhà sử học cổ Hy Lạp Filark ghi nhận rằng, ở vùng Sibarius thời đó (thế
kỷ III trước công nguyên) đã có tục lệ ban đặc quyền cho đầu bếp nào nấu
món ăn độc đáo, được mọi người ưa thích: độc quyền nấu món ăn đó trong
vòng một năm.
Tháng 3 năm 1236, một lái buôn tên là Banaphusis de Sant ở thành
Bordeaux được hưởng đặc quyền 15 năm cho phương pháp sản xuất quần áo
len theo trường phái Flamand. Sau đó, nước Anh và xứ Xắcxông cũng công
nhận theo.
Trong “Sổ thống kê patent” của Anh, lần đầu tiên, đặc quyền được ban
cho John Whitnam ngày 3 tháng tư năm 1449 về cách chế tạo thủy tinh màu.
John Whitnam cùng gia đình từ Flandri đến nước Anh theo lời đề nghị của
nhà vua, tổ chức công việc sản xuất thủy tinh màu. Để bày tỏ lòng biết ơn,
nhà vua đã cho John Whitnam độc quyền sản xuất thủy tinh màu trong 20
năm và cấm những người khác sản xuất nếu như John Whitnam không cho
phép.
Ngày 15 tháng 3 năm 1474, nghị viện công quốc Venise với 116 phiếu
thuận, 10 phiếu chống, 3 phiếu trắng đã thông qua đạo luật patent đầu tiên
trên thế giới. Theo đạo luật này, bất kỳ công dân nào chế tạo ra máy, trước
đây chưa hề sử dụng trên lãnh thổ quốc gia, được nhận đặc quyền sản xuất
trong 10 năm. Ai vi phạm đặc quyền này sẽ bị phạt 100 ducat và máy của
người đó sẽ bị phá hủy.
Sau Venise, các công quốc khác của Ý cũng thông qua đạo luật tương tự.
Đến 1550, ở Ý đã cấp hơn ngàn patent. Vì ở các công quốc của Ý, đặc
quyền được ban theo luật thống nhất (phải chứng tỏ tính mới và hữu ích của
sáng chế) chứ không phải theo quyết định tùy tiện của nhà vua nên có thể
coi đặc quyền này tương tự như các patent hiện đại.