vẫn có để dùng, vẫn có thể sản xuất hoặc hợp tác sản xuất để thỏa mãn các
nhu cầu của mình.
Cùng với các cuộc Cách mạng công nghiệp, đặc biệt, từ Cách mạng khoa
học – kỹ thuật bắt đầu cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, ở những
nước phát triển, tình hình thay đổi một cách cơ bản. Những thay đổi này đã
làm xuất hiện và làm tăng tính cấp bách của nhu cầu xã hội đòi hỏi mỗi
người phải suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định nhanh hơn, hiệu quả
hơn, ít trả giá hơn, trước hết, cho những vấn đề mình gặp trong công việc,
cuộc sống mà không bị động chờ đợi ở những cấp lãnh đạo, quản lý cao
hơn.
Dưới đây, người viết sẽ cố gắng làm rõ hơn điều vừa nói từ những cách
xem xét khác nhau như: các khuynh hướng lớn, các thách thức lớn, kinh tế,
xã hội, giáo dục và đào tạo.
3.3.2. Các khuynh hướng, thách thức và hệ quả
Ít nhất, có thể kể ra ba khuynh hướng lớn mà nhân loại phải đồng thời
trải qua:
1. Cách mạng khoa học – kỹ thuật (công nghệ) mà khoa học trở thành lực
lượng sản xuất trực tiếp.
2. Con người có nhiều quyền tự do, dân chủ hơn trước.
3. Kinh tế thị trường và các quan hệ trao đổi khác dần trở thành toàn cầu.
Các khuynh hướng lớn này (cùng với những khuynh hướng khác không
kể ra ở đây) tạo ra, một mặt, những khả năng, điều kiện, cơ hội mới, mặt
khác, những thách thức mới đối với sự phát triển xã hội của từng quốc gia
nói riêng, loài người nói chung.
Cuộc Cách mạng khoa học – kỹ thuật giúp giải quyết tốt hơn các vấn đề
đang có và làm tốc độ phát triển ngày càng trở nên nhanh hơn.
Ví dụ, theo Lester Thurow, các vấn đề về sử dụng các tài nguyên thiên
nhiên một cách tối ưu đã có nhiều tiến bộ. Nếu khối Thị trường chung Châu