khí, trang thiết bị cho người lính bộ binh, các vận động viên leo núi; vi điện
tử; xây dựng các tòa nhà siêu cao tầng...
Sau đó, bạn đi tìm thông tin ý tưởng và làm các công việc tương tự như ví
dụ 1.
Thực hiện hai lời khuyên nói trên giúp bạn chủ động tìm thông tin ý
tưởng (tìm được con cá vàng bơi trong đại dương) và chuyển giao ý tưởng
từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Nhờ vậy, bạn có cơ hội vươn lên mức
sáng tạo cao hơn, tránh mong chờ vào sự may mắn như táo rơi xuống đầu,
nhìn thấy mạng nhện, nằm mơ...
6.4.8. Linh tính
Nếu không tính đến những trùng hợp tình cờ kiểu “nói phét gặp thời”
hoặc “điềm lành, điềm gở”, linh tính (trực giác), theo nghĩa tâm lý học, là ý
nghĩ mang tính kết luận nảy sinh trong óc chủ thể, trong khi các điều kiện và
cách thức dẫn đến ý nghĩ đó không được chủ thể nhận biết. Nói cách khác, ở
đây xảy ra chuyện, kết quả của quá trình suy nghĩ (linh tính) được chủ thể
nhận biết nhưng các chi tiết và lôgích của quá trình suy nghĩ đó không được
chủ thể nhận biết.
Một số trong các câu chuyện trình bày trong mục nhỏ 6.4.5. Tính nhạy
bén của tư duy và nhiều câu chuyện tương tự được các nhà nghiên cứu coi là
các ví dụ của linh tính. Dưới đây, người viết dẫn thêm một số câu chuyện
khác.
○ Iakolev, tổng công trình sư các loại máy bay IaK kể lại trường hợp, khi ông thiết kế, chế tạo máy
bay trực thăng. Chiếc máy bay, nói chung, hoạt động tốt, chỉ có nhược điểm duy nhất là độ rung lớn.
Căn cứ vào lý thuyết, ông đưa ra nhiều thay đổi thiết kế nhưng không khắc phục được nhược điểm nói
trên. Cho đến một hôm, người cộng sự của ông, K.X. Kilđưsheva đề nghị: “Cưa các cánh quạt ngắn
đi 50 cm” mà không lý giải được một cách thuyết phục. Ông ra lệnh cho những người giúp việc làm
theo trong sự ngơ ngác của nhiều người trong số họ. Kết quả: Máy bay hết rung và mọi tính năng khác
của máy bay không thay đổi.
○ Một nhóm công trình sư máy bay trẻ mang các bản vẽ của mình lên cho Tupolev (tác giả của các
loại máy bay TU) xem. Đọc xong các bản vẽ, Tupolev tuyên bố máy bay này không cất cánh được.