trong xã hội đạt được mục đích điều khiển (thực thi các quyền con người)
một cách tốt đẹp.
Trong phần tiếp theo của mục 7.3 này, dựa trên cách tiếp cận của điều
khiển học, người viết trình bày những ý tưởng mang tính định hướng nhằm
tạo ra các tác động xã hội, giúp hình thành và phát triển con người phù hợp
với mục đích đề ra.
Các ý tưởng liên quan đến vai trò và các tác động của giáo dục sẽ được
trình bày trong mục 7.4. Giáo dục phát triển nhân cách: Điều khiển và tự
điều khiển thế giới bên trong con người sáng tạo.
Cuối cùng, mục 7.5. Phát triển nhân cách sáng tạo: Vai trò của
PPLSTVĐM sẽ thảo luận về sự cần thiết trang bị PPLSTVĐM cho mỗi
người và các ý tưởng nhằm thực hiện công việc đó.
Mục đích phát triển con người nêu ở trên chỉ đạt được khi mục đích ấy
không chỉ nằm trong các Tuyên ngôn, Công ước, mà nó, một cách đầy đủ,
ổn định và bền vững, biến thành các hành động cụ thể tương ứng của mỗi cá
nhân thuộc xã hội. Xã hội cần tác động (điều khiển) như thế nào, để mỗi cá
nhân có các hành động tương ứng với mục đích phát triển?
Mỗi cá nhân có các nhu cầu tồn tại và phát triển của mình (xem Chương
5: Từ nhu cầu đến hành động và ngược lại). Tương tự, toàn xã hội cũng có
các nhu cầu khách quan để tồn tại và phát triển. Người viết muốn nhấn mạnh
từ “khách quan” chứ không phải các nhu cầu của xã hội là các nhu cầu của
các cá nhân lãnh đạo xã hội. Lịch sử cho thấy, không ít lần, các nhu cầu của
giới lãnh đạo xã hội chỉ là các nhu cầu của cá nhân họ. Chúng không thực sự
phản ánh các nhu cầu của xã hội, mặc dù họ chịu trách nhiệm về sự tồn tại,
phát triển của xã hội và luôn có những lời nói, việc làm mị dân. Các nhu cầu
của cá nhân và xã hội càng ngày, càng tăng theo thời gian. Xã hội gồm nhiều
cá nhân. Các cá nhân lại rất khác nhau về các nhu cầu và hành động. Từ đây,
mối quan hệ giữa các cá nhân và xã hội có thể thống nhất, cũng có thể xung
đột. Những điều vừa nói được minh họa trên Hình 75.