quyền con người. Theo đánh giá của ông Jan Martenson Cao ủy Liên hiệp
quốc về Nhân quyền thì “quyền con người là một trong những lĩnh vực mà ở
đó luật pháp quốc tế đạt được nhiều tiến bộ nhất”. Điều này hoàn toàn phù
hợp với nhận định của cố thứ trưởng ngoại giao Lê Mai, Trưởng đoàn đại
biểu nước ta tại Hội nghị Nhân quyền thế giới tại thành phố Viên (Áo): “Vị
trí không ngừng gia tăng của luật pháp quốc tế trong đời sống thế giới và ý
thức ngày càng sâu rộng của nhân dân các nước khiến cho các nguyên tắc
và mục tiêu cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc, Tuyên ngôn toàn thế
giới về nhân quyền và hai Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và
văn hóa và các quyền dân sự, chính trị trở thành tiêu chuẩn và đòi hỏi phổ
biến của mọi người và mọi dân tộc trong thời đại chúng ta. Các nguyên tắc
cơ bản trong các văn kiện quốc tế đó là những giá trị chung của nhân loại
mà chúng ta cần bảo vệ”.
Liên quan đến những gì trình bày và thảo luận trong bộ sách “Sáng tạo và
đổi mới”, trong “những quyền tự nhiên” của mỗi người được công nhận và
bảo vệ ở mức toàn nhân loại, người viết trích các điều sau từ “Công ước
quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (Liên hiệp quốc 16-12-
1966 và Việt Nam gia nhập ngày 24-9-1982):
Điều 13: Các quốc gia thành viên Công ước công nhận quyền của mọi
người được hưởng nền giáo dục. Các quốc gia thỏa thuận rằng giáo dục sẽ
được hướng vào việc phát triển đầy đủ nhân cách và ý thức về nhân phẩm,
sẽ tăng cường sự tôn trọng các quyền con người và những quyền tự do cơ
bản. Các quốc gia còn thỏa thuận rằng giáo dục sẽ tạo điều kiện cho mọi
người tham gia một cách có hiệu quả vào một xã hội tự do, thúc đẩy sự hiểu
biết, sự khoan dung và tình hữu nghị giữa các dân tộc, các chủng tộc, người
thiểu số hoặc tín đồ tôn giáo, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của Liên hiệp
quốc nhằm duy trì hòa bình.
Điều 15:
1. Các quốc gia thành viên Công ước công nhận mọi người đều có quyền:
a. Được tham gia vào đời sống văn hóa;