Tương tự, liên quan đến sáng tạo và đổi mới, các biện pháp khuyến khích
thúc đẩy cá nhân càng có nhiều hành động sáng tạo và đổi mới thì càng thỏa
mãn các nhu cầu chính đáng của cá nhân như tiền, có được sự kính trọng,
yêu mến, được xã hội tôn vinh... Các biện pháp khuyến khích sáng tạo và
đổi mới còn rất quan trọng vì, các biện pháp cưỡng bức sáng tạo và đổi mới
không thích hợp; tư duy sáng tạo là đối tượng không nhìn thấy, lãng phí chất
xám mà không biết; nó chỉ bộc lộ ra khi có môi trường khuyến khích thích
hợp.
Khi đưa ra các biện pháp khuyến khích, kích thích cần tính đến các kết
quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực động viên con người, ví dụ, quy luật
do Yerkes và Dodson tìm ra. Theo quy luật này, khi tăng cường khuyến
khích, hiệu quả công việc của cá nhân tăng lên nhưng không tăng mãi mà
đạt đến cực đại nhất định, bão hòa, sau đó, có khi còn đi xuống. Điều này có
thể giải thích bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng
là, khi tăng mức độ khuyến khích thì mức độ thỏa mãn nhu cầu cấp bách của
cá nhân cũng tăng theo. Đến một mức độ khuyến khích nào đó, nhu cầu cấp
bách của cá nhân được thỏa mãn, nó không còn là cấp bách nữa. Do vậy, lúc
đó, biện pháp khuyến khích cho trước không còn có ý nghĩa. Nếu tiếp tục áp
dụng, biện pháp khuyến khích cho trước có khi gây phản tác dụng, làm hiệu
quả công việc của cá nhân giảm sút.
Trên thực tế, các cá nhân khác nhau có các nhu cầu cấp bách khác nhau
nên các biện pháp khuyến khích phải đa dạng và phù hợp cho từng cá nhân
một. Chưa kể, loại nhu cầu cấp bách của cá nhân cho trước cũng thay đổi
theo thời gian, do vậy, biện pháp khuyến khích cá nhân cho trước cũng phải
thay đổi theo từng thời kỳ.