Các xúc cảm có thể bổ sung cho nhau. Ví dụ, người đã từng buồn
nhiều, khi có niềm vui, cường độ xúc cảm thường mạnh hơn những
người khác.
Các xúc cảm có thể chuyển hóa lẫn nhau, đặc biệt, khi vượt quá một
ngưỡng nào đó. Ví dụ, thân nhau lắm thì cắn nhau đau; giòn cười, tươi
khóc; hết khôn dồn đến dại; niềm vui nhỏ người ta cười, niềm vui lớn
người ta khóc; từ yêu đến ghét, nhiều khi, chỉ một bước.
Các xúc cảm có thể mâu thuẫn nhau, hiểu theo nghĩa, xúc cảm này
được thỏa mãn thì xúc cảm khác không được thỏa mãn. Ví dụ, bỏ tiền
mua sách đọc, có được niềm vui thỏa mãn nhu cầu nhận thức nhưng
tiếc, vì phải dè sẻn trong ăn, mặc.
Xúc cảm có thể thay thế nhau. Ví dụ, đối với nhiều người, niềm vui
trong nghiên cứu khoa học hoàn toàn thay thế được niềm vui ăn chơi,
xài những đồ xịn, hàng hiệu...
Những người từng trải qua nhiều loại xúc cảm thường hiểu những
người khác (về mặt xúc cảm) dễ dàng hơn, đồng cảm hơn, bao dung
hơn.
Xúc cảm thúc đẩy cá nhân hành động theo các quy luật xúc cảm, do
vậy, tùy trường hợp cụ thể, xúc cảm đó có thể tốt, có thể xấu. Ví dụ, tin
người khác mình có thể bị lừa; yêu tức là mù; giận mất khôn; yêu nên
tốt, ghét nên xấu.
Xúc cảm không chỉ thúc đẩy hoặc kìm hãm những hành động thể hiện
ra bên ngoài mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những gì thuộc thế
giới bên trong con người như nhu cầu, các thói quen tự nguyện, tư duy.
Các ảnh hưởng này có thể tốt hoặc xấu. Ví dụ, sự chán nản có thể làm
tư duy bị tê liệt. Ngược lại, sự hứng thú lại giúp phát nhiều ý tưởng
sáng tạo bất ngờ. Do vậy, ở đây cá nhân cần có sự điều khiển các xúc
cảm của mình. Người viết còn quay trở lại vấn đề này trong Chương 7:
Điều khiển học: Điều khiển hành động và thế giới bên trong con người
sáng tạo.